Quân đội Syria tuyên bố giành chiến thắng lịch sử tại Deir Ezzor
Chiến thắng này càng có ý nghĩa hơn khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria cùng ngày tuyên bố, phe đối lập nước này cần phải thừa nhận thất bại trước quân Chính phủ trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua. Dù hòa đàm là ưu tiên hàng đầu để giải quyết khủng hoảng Syria, song thực tế trên chiến trường đang giúp Chính phủ Syria nắm nhiều lợi thế.
Binh sĩ Iraq tại Deir Ezzor. Ảnh: Reuters |
Với cờ và ảnh chân dung của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, quân đội và người dân nước này hôm qua đã xuống đường ăn mừng chiến thắng tại Deir Ezzor, sau khi các lực lượng vũ trang Chính phủ phá vỡ vòng vây của tổ chức khủng bố IS kéo dài suốt 3 năm qua tại thành phố lớn nhất miền Đông này.
Bất chấp việc IS điều thêm một lượng lớn các tay súng khủng bố tới Deir Ezzor, quân đội Syria đã tiến được vào rìa Tây của thành phố, để hợp nhất với lực lượng phòng vệ bên trong thành phố này, với sự yểm trợ đắc lực của lực lượng không quân và hải quân Nga.
Ngay sau tuyên bố chiến thắng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gửi lời chúc mừng và ca ngợi tới các binh sĩ phòng vệ cố thủ tại Deir Ezzor, rằng “họ đã chứng tỏ sự kiên định, bất khuất trước tổ chức khủng bố tàn bạo nhất trên thế giới”, đồng thời cho rằng những binh sĩ quân đội phá vỡ vòng vây đã làm nên “lịch sử”.
Chiến thắng này đã chứng tỏ năng lực và sức mạnh thực sự của quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố so với lực lượng đối lập nước này. Cũng trong ngày 6/9, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố, lực lượng đối lập Syria nên thừa nhận một thực tế rằng họ đã thất bại.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ, ông Mistura nêu rõ, hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn bên nào sẽ thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến, song thực tế cho thấy quân đội Syria đã đạt được rất nhiều lợi thế, cả về mặt quân sự lẫn các vùng lãnh thổ kiểm soát được.
Tuy nhiên, ông Mistura khẳng định, thắng lợi thực sự chỉ có được khi tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột tại Syria: “Liệu các lực lượng đối lập có thể thống nhất và đủ thực tế để nhận ra rằng họ đã không chiến thắng trong cuộc chiến.
Cần phải có một cuộc đàm phán chính trị giữa các bên liên quan tại Syria, để tìm ra giải pháp chính trị, căn cứ vào nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc. Cuộc đàm phán này cần tiến hành nhanh chóng kèm theo một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Nếu đàm phán không diễn ra thì tương lai của Syria sẽ rất tồi tệ”.
Hiện vòng đàm phán thứ 8 giữa các bên liên quan tại Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tới nay vẫn chưa ấn định được thời gian cụ thể, sau khi 7 vòng hòa đàm trước đó đã không đạt được bất kỳ đột phá nào.
Tuy nhiên, ông Mistura hy vọng một cuộc gặp giữa 3 phái đoàn thuộc phe đối lập Syria có thể diễn ra vào tháng 10 tới tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, để có được đánh giá về tình hình thực tế tại chiến trường Syria.
Thời gian qua, lực lượng đối lập Syria luôn tỏ ra “mờ nhạt” trong cuộc chính chống khủng bố và yếu tố quan trọng gây ra sự “thất thế” này có thể xuất phát từ việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt ngừng hỗ trợ tài chính, vũ khí cũng như huấn luyện quân sự cho lực lượng này.
Các nguồn tin khu vực nhận định, việc hỗ trợ của Mỹ cho phe đối lập Syria đã không đạt hiệu quả khi các phe đối lập Syria không thống nhất được chung một quan điểm chính sách rõ ràng để đối phó với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Còn quyết định dừng hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này, rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa ra các bước đi “thiện chí” để hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Chính phủ Syria./.