Quân - dân gắn bó giữ “phên giậu” biên cương
Bền bỉ những bước chân tuần tra
Khi cái lạnh đầu đông thấm vào da thịt, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai lên đường tuần tra biên giới. Sáng sớm, khi sương mù còn giăng kín dãy núi Yên Ngựa, đội hình tuần tra gồm 6 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ quân tư trang, vũ khí trang bị đã có mặt, sẵn sàng lên đường. Thiếu tá Lưu Đình Tân, Đồn trưởng, trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị của bộ đội, đồng thời quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người, phổ biến phương án xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tuần tra.
Bộ đội Đồn Biên phòng Trịnh Tường tặng quà em Lý A Sử (mồ côi cả cha lẫn mẹ), ở bản Trịnh Tường, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: TRUNG DŨNG |
Theo nhiệm vụ phân công, Đội có nhiệm vụ tuần tra đoạn biên giới từ cột mốc số 147 đến số 149 trong tổng số 15 cột mốc biên giới Việt-Trung mà đồn phụ trách. Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương chia sẻ: Tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc, cọc dấu là nhiệm vụ rất khó khăn, gian khổ của người lính biên phòng, bởi đường biên chủ yếu nằm ở địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, rừng cây rậm rạp… Trước mỗi chuyến công tác dài ngày dọc đường biên, các chiến sĩ biên phòng phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm cần thiết; đặc biệt là thuốc men và một loại vật dụng không thể thiếu, đó là những đôi tất dày, dài để phòng, chống các loại muỗi, ve, vắt… Với hơn 50km đường biên giới do đồn quản lý, cán bộ, chiến sĩ thường phải chia làm 2 đợt tuần tra, mỗi đợt kéo dài cả tuần lễ. Tuy nhiên, nếu không may gặp trời mưa lớn, sương mù dày đặc thì có thể phải thêm chừng đó thời gian nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tuần tra.
Tại cột mốc 149, sau khi tiến hành phát quang cỏ cây và quan sát, kiểm tra kỹ cột mốc biên giới, nghi lễ chào cột mốc-chủ quyền Tổ quốc được các chiến sĩ biên phòng thực hiện rất trang nghiêm. Cùng trải nghiệm những cung đường tuần tra biên giới với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương, chúng tôi thêm cảm phục sự dũng cảm, bền gan của những chiến sỹ quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc. Khó có thể kể hết những gian nan, vất vả của các anh, nhưng chỉ nhìn tuyến đường tuần tra vắt ngang sườn núi, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, đồng thời được "4 cùng" với những người lính biên phòng nơi đây, chúng tôi càng thấu hiểu những hy sinh, cống hiến thầm lặng của các anh trong suốt nhiều năm qua…
“3 bám, 4 cùng” với đồng bào vùng biên
BĐBP tỉnh Lào Cai được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài hơn 182km trên đất liền và sông, suối, với tổng số 127 mốc quốc giới. Địa bàn quản lý gồm 26 xã, phường, thị trấn biên giới, với 383 thôn, bản, tổ dân phố, hơn 25.150 hộ, gồm 17 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Cùng với tuần tra, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, những năm qua, BĐBP tỉnh còn làm tốt công tác dân vận. Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám dân, bám địa bàn, bám cấp ủy, chính quyền địa phương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), các đồn đã tích cực tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh.
Đặc biệt, 5 năm gần đây, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo các đồn phối hợp với các trường học trên địa bàn tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng số người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, nghỉ học, cũng như nhu cầu học tập của người dân ở các xã, phường, thị trấn biên giới… Từ năm 2014 đến nay, BĐBP tỉnh đã trích quỹ trợ cấp hàng trăm suất quà tặng các hộ gia đình chính sách, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng; vận động được hơn 200 cháu học sinh bỏ học quay lại trường; tặng sách vở, dụng cụ học tập cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số tổng trị giá hơn 100 triệu đồng; mở 6 lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho gần 200 người. Bộ đội quân hàm xanh còn giúp nhân dân trên địa bàn làm hàng chục cây số đường giao thông liên thôn, bản; hỗ trợ, nâng bước đến trường cho 22 cháu học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng/cháu. Thực hiện Cuộc vận động “Mái ấm chiến sĩ nơi biên cương”, BĐBP tỉnh đã xây dựng 36 căn nhà, tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng, trao 387 con bò tặng các hộ gia đình khó khăn từ Chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”.
Các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh còn phối hợp với ngành giáo dục-đào tạo địa phương, các nhà trường mở lớp xóa mù chữ ở 23 thôn, bản thuộc 15 xã biên giới. Tại các lớp học do “thầy giáo quân hàm xanh” tổ chức, ngoài nội dung theo chương trình, người dạy còn khéo lồng ghép nội dung tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, phòng, chống mua bán người, kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trang bị kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm… góp phần thiết thực giúp bà con nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia./.