Quá tải giao thông đường thủy ở Tiền Giang
Tiền Giang là cửa ngõ của vùng ĐBSCL, có hệ thống sông, rạch chằng chịt, góp phần rất lớn trong việc cung cấp tài nguyên nước và còn là những tuyến giao thông quan trọng phục vụ đi lại, vận tải hàng hóa của người dân cả vùng ĐBSCL. Bên cạnh những ưu điểm thì hệ thống sông rạch ở tỉnh Tiền Giang đang bộc lộ những bất cập, chưa phát huy hết vai trò khả năng phục vụ con người.
Kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang- tuyến giao thông trọng yếu vùng ĐBSCL (Ảnh : Nhật Trường). |
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có các con sông lớn như: sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Bảo Định, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành… Trong đó, sông Tiền và kênh Chợ Gạo là 2 tuyến giao thông đường thủy huyết mạch kết nối vùng ĐBSCL với TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Thời gian qua, ngoài việc cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hệ thống kênh rạch ở tỉnh Tiền Giang đóng góp rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ 3 sà lan có trọng tải trên 3.000 tấn chuyên vận tải hàng container ở thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Vận chuyển đường thủy hay hơn đường bộ. Vì đường thủy chở nhiều, mấy chiếc sà lan này đến Cần Thơ chở bằng 100 chiếc xe container. Đường thủy bây giờ an toàn giao thông vẫn tốt, ít tai nạn hơn. Đường thủy thì ít đầu tư nên đề nghị Nhà nước quan tâm, nạo sâu luồng lạch hơn”.
Mô hình nuôi cá bè trên sông Tiền ( Ảnh: Nhật Trường). |
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang đều chọn đường thủy để vận tải hàng hóa, vì đường thủy vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp và ít xảy ra tai nạn. Chỉ tính riêng tuyến kênh Chợ Gạo mỗi ngày có đến gần 2.000 phương tiện thủy chuyên chở hàng chục ngàn tấn hàng hóa qua lại.
Dù có nhiều ưu điểm nhưng hệ thống giao thông đường thủy ở tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Tại tỉnh Tiền Giang, nhà nước mới đầu tư dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo nhưng đang thực hiện dở dang gây sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt của người dân.
Tại khu vực các cửa sông, đất đã bồi lắng lâu ngày chưa được nạo vét đã gây cản trở giao thông. Riêng đáy kênh Chợ Gạo cũng đã bị cạn dần, lòng kênh chật hẹp khiến nhiều phương tiện mắc cạn. Đã vậy, có không ít sà lan chở quá mớn nước cho phép, chưa chấp tốt hành luật giao thông. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy của các cơ quan chức năng cũng chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Do, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nói: “Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải quy định vào kênh Chợ Gạo những loại phương tiện phải chạy bao nhiêu km/h để tránh các phương tiện thả rề theo nước. Mà những phương tiện đi sau do nhu cầu hàng hóa gì đó, thì không dám qua mặt. Vì sà lan dài nếu qua chưa kịp thì ở đằng kia có chiếc khác đổ lại sẽ gây tai nạn”.
Bờ sông Tiền đang bị sạt lở nghiêm trọng ( Ảnh: Nhật Trường). |
Ngoài ra, ven bờ các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có gần 100 điểm sạt lở lớn chưa có nguồn kinh phí để khắc phục. Tại vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hiện nay các giao thông thủy đã quá tải. Các tuyến kênh Năng, kênh Hai, kênh Tràm Mù… đã quá chật hẹp, trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước nói: “Tàu bè đi có một tuyến kênh Hai mà đã quá tải. Các tàu cát ngày nào cũng qua lại quá tải, hai tàu chạy qua va chạm có khi cũng chìm ghe mía hoài. Để thuận tiện, xã đề nghị huyện, tỉnh sớm nạo vét mở rộng tuyến kênh hai, kênh Một, kênh Năng, ra ngoài kênh Nguyễn Tấn Thành. Nói chung công việc này không dễ nhưng phải mở rộng”.
Để hệ thống sông, rạch phát huy vai trò của mình, phục vụ tốt hơn việc vận tải hàng hóa cần có sự đầu tư, mở rộng như lĩnh vực đường bộ. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước cũng cần nguồn vốn BOT để phát triển hạ tầng, giao thông thủy.
Khắc phục sạt lở sông Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ( Ảnh: Nhật Trường). |
Ông Lương Văn Cư, thành viên Hiệp Hội vận tải tỉnh Tiền Giang nói: “Đường thủy có vai trò quan trọng đối với nhân dân, vận chuyển hàng hóa nhiều hơn đường bộ, kể cả đi Quốc tế. Nhà nước cần nâng cấp, nâng đường thủy lớn lên để cho sà lan lớn, tàu lớn chở hàng hóa đi nước ngoài nhiều hơn, tàu nước ngoài cũng vô được luôn. Hiện nay, xe chở hàng trên Quốc lộ trở nên quá tải, tai nạn nhiều còn đường thủy ít tai nạn đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư đường thủy”.
Giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa phục vụ xuất, nhập khẩu. Do đó, tỉnh Tiền Giang cũng như vùng ĐBSCL rất cần được̣ đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông thủy, nạo vét luồng hàng hải, xây dựng các cảng sông… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất chín sông./.