Tại hội nghị Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chiều 25/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết vùng TPHCM giữ vị trí trung chuyển quốc tế của cảng hàng không và cảng biển, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia.

Vùng TPHCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước. Về phát triển kinh tế, vùng TPHCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51% kim ngạch xuất khẩu cả nước và gần 60% tổng thu ngân sách quốc gia.

pho thu tuong chi ro mot diem yeu cua tphcm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM tầm nhìn 2030 đến 2050

Vì thế, theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP mà còn với các địa phương khác trong vùng, tạo động lực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn đề án điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại diện các tỉnh. Phó Thủ tướng cho biết đây là lần đóng góp ý kiến cuối cùng trước khi hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM sẽ phát triển theo hướng hình thành những thành phố vệ tinh, mô hình thành phố trong thành phố để chia sẻ lượng dân ở khu vực trung tâm thành phố.

Theo ông Phong, một trong những trở ngại trong chiến lược phát triển kinh tế TP là hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế. Ông cho biết vừa qua TPHCM cùng các tỉnh đã họp bàn và thống nhất chủ trương phát triển tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ.

Ông Phong cho biết Sở Giao thông vận tải TP sẽ phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông vận tải và trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch.

“Mục tiêu của TPHCM là trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, giáo dục khu vực Đông Nam Á. TP phải gắn chặt chẽ với các địa phương trong vùng. TP không phát triển được nếu tách rời với các địa phương”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Liêm cho rằng cần tăng cường kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh lân cận. Theo ông, dự án đường cao tốc TPHCM – Bình Dương – Chơn Thành đã được nhắc tới 15 năm rồi mà chưa thấy triển khai. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Liêm cũng cho biết việc phát triển đường sắt để chia lửa với đường bộ và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa trong khu vực là hết sức quan trọng.

Cùng quan điểm, đại diện Bộ Quốc phòng cũng đề nghị ưu tiên phát triển đường sắt để tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đề nghị Chính phủ quan tâm phát triển đường sắt xuyên Á để tăng cường kết nối vận chuyển hàng hóa sang Campuchia, Myanmar. Theo ông, tuyến đường sắt này đã có trong quy hoạch nên cần sớm đầu tư để đẩy mạnh giao thương trong vùng và quốc tế.

Trong khi đó, đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị cần làm rõ hơn những khó khăn của TPHCM với tư cách là hạt nhân phát triển của vùng, trong đó điểm nhấn là kết nối giao thông theo hướng các tuyến vành đai.

Vị này đánh giá cao vai trò của cảng Cái Mép – Thị Vải trong tương lai và đề nghị nhanh chóng mở đường sắt từ Trảng Bom về đây, song song đó là phát triển cao tốc song song quốc lộ 51. Đồng thời, sớm hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành để kết nối giao thông các tỉnh miền Tây và miền Đông.

pho thu tuong chi ro mot diem yeu cua tphcm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị đầu tư phát triển kết nối hạ tầng giao thông giữa TPHCM và các tỉnh lân cận

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi phải làm rõ lý do tại sao thực hiện quy hoạch giao thông còn chậm. Theo ông, nếu không giải quyết được câu hỏi này thì tương lai còn tiếp diễn.

Theo Bí thư Thành ủy, nếu lý do chính là thiếu vốn thì phải xem xét lại vốn đầu tư để phát triển hạ tầng trong vùng so với cả nước như thế nào. Theo ông, tỷ lệ vốn đầu tư hạ tầng cho vùng còn thấp chưa tương xứng với sức đóng góp của kinh tế vùng cho cả nước. Ông Nhân cho rằng nếu phát triển dự án giao thông vùng chỉ dựa vào vốn ngân sách và ODA thì sẽ rất khó hoàn thành được.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý đề án phải làm nổi bật tính chất của TPHCM là thành phố có vai trò vị trí chiến lược không chỉ với cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, cần nhấn mạnh lợi thế của vùng với tiềm năng ven biển, cửa khẩu quan trọng về cảng biển và hàng không.

Vì vậy cần chú ý phát triển kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai; đồng thời phát triển đường sắt để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa.