Ôtô nhập khẩu vào Việt Nam - một năm lách qua khe cửa hẹp
Tháng 8, các hãng ôtô ở Việt Nam cùng ra mắt 4 sản phẩm mới, 2 lắp ráp là Toyota Vios và Hyundai Kona, 2 nhập khẩu là Mitsubishi Xpander và Ford Everest. 7 tháng trước đó, thị trường án binh bất động. Không xe mới, không giảm giá.
Mitsubishi Xpander ra mắt tại Vũng Tàu tháng 8. |
Điều đặc biệt, những chiếc Xpander và Everest xuất hiện long lanh dưới ánh đèn sân khấu, đều là hàng "thông quan sớm" để kịp ra mắt. Tức là, ngoài vài chiếc xe đó, hãng chưa xe nào trong kho để có thể bán cho khách hàng. Hàng trăm chiếc, đang lênh đênh trên biển, hoặc nằm chờ tại cảng, vì chưa xong thủ tục thông quan.
Những xáo trộn này, vì ảnh hưởng của Nghị định 116.
Nghị định 116 - điều lạ của thị trường ôtô Việt
Đúng một năm trước, ngày 17/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Yếu tố then chốt của Nghị định là doanh nghiệp muốn nhập khẩu xe cần có "Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại" (VTA - Vehicle Type Aprroval) do cơ quan nước ngoài cấp, cùng một loạt các yêu cầu khác. Loại giấy tờ này, lạ lẫm với các hãng tại Việt Nam.
Khoảng trống pháp lý chỉ 2 tháng rưỡi từ khi Nghị định được ký tới lúc có hiệu lực ngày 1/1/2018. Các liên doanh trở tay không kịp vì đã bắt đầu hạn chế nhập xe từ tháng 9/2017, hòng chờ đợi những lô hàng ồ ạt vào đầu 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% với những xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%.
Khi ấy, các hãng đều cho rằng để có được giấy VTA, phải chờ đợi cơ quan hữu trách nước ngoài tiếp nhận vấn đề, xem xét và trả lời liệu có cấp được hay không. Nếu mọi thứ trôi chảy, lại phải thêm thời gian để đặt hàng nhà máy sản xuất. Vì vậy, khoảng thời gian chờ đợi có thể tới nửa năm. Trong 6 tháng đó, lấy gì để bán hàng?
Trước nguy cơ "ngồi chơi" vì không có xe, nhiều hãng cố nhập xe những lô hàng vớt vát trước 1/1/2018 như Ford với Ranger hay Honda với CR-V. Một vị đại diện Honda cho biết, việc thông quan CR-V mới là một canh bạc. Khi ấy, mức giá xe mà hãng thông báo cho khách hàng là 1,1 tỷ, với cách tính thông quan trong 2018. Nhưng khi Nghị định 116 ra đời, nguy cơ không có xe, hãng buộc nhập vội một lô 700 xe vào cuối 2017, chịu thuế nhập khẩu 30%, khiến giá xe đội lên 1,256 tỷ. Giá cao có thể khiến khách hàng mất cảm tình, nhưng không có xe thì rủi ro kinh doanh còn cao hơn.
"Ngày 29/12/2017 xe vẫn chưa thể cập cảng, đến 30 mới về bờ và thông quan trong những giờ cuối cùng của ngày 31", vị đại diện chia sẻ về lô CR-V chạy đua với Nghị định.
Hãng xe nhập khẩu đau đầu
Nghị định 116 tác động ngay lập tức lên lượng xe nhập khẩu. Sau 9 tháng, Việt Nam nhập gần 40.000 xe nguyên chiếc, trong khi cùng kỳ tới gần 72.000.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu 9 tháng năm 2018 giảm mạnh 45% so với cùng kỳ 2017. |
Kế hoạch liều lĩnh của Honda tưởng chừng nhiều rùi rỏ lại trở nên may mắn. Suốt hơn nửa năm 2018, CR-V thỉnh thoảng lại có thêm các lô xe về nước. Honda là một trong những hãng có giấy VTA sớm nhất, từ tháng 3.
Trước đó, đầu tháng 1, thời báo Nhật Bản Nikkei đưa tin Toyota và Honda quyết định tạm ngừng xuất khẩu ôtô sang Việt Nam vì không đáp ứng được thủ tục. Tuy vậy, sự hấp dẫn của thị trường khiến các hãng liên doanh phải xoay sở đủ cách hòng sớm nhập xe trở lại. dù Toyota phải quá nửa năm mới lục rục.
Xe nhập vắng bóng cũng khiến Toyota rơi vào tình trạng oái oăm. Fortuner vốn luôn nằm ở top đầu xe bán chạy thì nhiều tháng liên tiếp rơi vào nhóm doanh số thấp nhất, bởi không có xe để giao. Đại lý cũng không mặn mà nhận cọc.
Hoạt động bán hàng của hãng vì thế cũng thay đổi. Tháng 9, Wigo, Avanza và Rush, 3 mẫu xe mới cùng ra mắt trong sự kiện tại Hà Nội. Kiểu giới thiệu ồ ạt này được đánh giá là "cực chẳng đã", khi đáng ra, Toyota đã trải đều sản phẩm ra mắt từ đầu năm. "Nếu không giới thiệu cùng lúc, họ khó lòng vớt nốt khách dịp cuối năm", một chuyên gia nhận định.
Lô Honda CR-V tại cảng Hải Phòng hồi tháng 3/2018. Ảnh: Lương Dũng |
Các hãng nhập khẩu khác gần như cũng bị động, không còn đường lui. Lô hàng Ranger của Ford nằm cảng thời gian dài, kiểm định theo lô khiến quãng chờ đợi càng dai dẳng. Đến khi mọi thứ xong xuôi, hãng lại phải chờ để nhà máy tại Thái Lan sản xuất rồi vận chuyển xe về nước. Trong khi đó, dây chuyền ở xứ chùa vàng lại đang ưu tiên cho các đơn hàng nội địa và Philippines.
Chevrolet thậm chí không thể chờ đợi thêm, buộc dừng bán Trax vì phía Hàn Quốc không cung cấp giấy VTA. Những mẫu xe khác nhập khẩu từ Nhật của Lexus cũng chịu chung số phận.
Suốt nhiều tháng, Lexus không có xe để bán, thị trường gần như dành cho đối thủ Mercedes. Toyota Việt Nam làm đủ cách, chuyển sang nhập xe từ châu Âu nhưng vẫn đề cũng chưa giải quyết ổn thỏa. Tháng 6, có 25 xe Lexus về Việt Nam, nhưng chừng ấy chỉ mang tính thử nghiệm.
Không bị ảnh hưởng nhiều bởi xe nhập khẩu vì có dây chuyền lắp ráp, nhưng Mercedes cũng bị đảo lộn nhiều hoạt động kinh doanh. Tháng 11/2017, hãng xe Đức gửi thư mời cho báo chí tham gia lễ ra mắt S-class và Maybach S-class. Nhưng vài ngày sau, hãng gửi thư cáo lỗi, phải lùi lịch giới thiệu, do những trục trặc chưa thông quan được Maybach. Thời gian lùi, tới nửa năm. Đầu tháng 6/2018, bộ đôi này mới trình làng.
Các hãng xe châu Âu như Porsche, BMW, Volkswagen, Volvo cũng gặp khó tương tự. Volkswagen sau đó "dễ thở" hơn khi nhập xe từ Mexico, thủ tục của Volvo hoàn thành sớm nhưng nhà máy không đáp ứng kịp đơn hàng, Porsche tới tháng 8 mới đưa được những chiếc Cayenne về nước, trả cho khách đặt từ năm ngoái. Để làm được điều đó, người phụ trách đăng kiểm của Porsche AG tại Đức phải bay sang Việt Nam để trực tiếp tìm hiểu và nắm tình hình, tìm cách giúp đỡ đại lý lo thủ tục giấy tờ. Lãnh đạo hãng xe Đức thì nói, chưa thị trường nào trên toàn cầu của Porsche phải đối mặt với VTA như Việt Nam.
Năm 2017, các hãng bắt đầu giảm nhập khẩu từ tháng 6 để chờ đợi 2018 bùng nổ với thuế giảm 0%. Đến 2018, thực tế quay ngược so với tính toán. Lượng xe về nước thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ. Từ tháng 8, doanh số mới có dấu hiệu vượt năm ngoái. Nguồn số liệu: Tổng cục Hải quan |
Những nỗ lực của các hãng liên doanh trong Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đi vào bế tắc. Tới 5 lần VAMA gửi đơn kiến nghị thay đổi, lãnh đạo lên truyền thông giãi bày khó khăn. Cả 5 lần, không có kết quả.
Hãng xe lắp ráp ủng hộ
Bộ Giao thông nói rằng các quy định mới là để tạo sự bình đẳng giữa hãng nhập và hãng lắp. Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Nghị định đang bảo vệ chính nhà sản xuất ở nước ngoài chứ không chỉ hãng ở Việt Nam. Hyundai Thành Công và Trường Hải ủng hộ nhận định đó.
Chính phủ ủng hộ lắp ráp để xây dựng Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Hai "ông lớn" lại đang đi đúng chiến lược đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói ba mũi nhọn để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam là Hyundai Thành Công, Trường Hải và VinFast.
Cuối 2017, Trường Hải gửi Công văn lên Thủ tưởng Chính phủ và hai Bộ Công thương, Giao thông Vận tải bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Nghị định, vì tạo ra sự ổn định, tiêu chuẩn chất lượng cho ngành, hướng tới phát triển lắp ráp lâu dài. Hãng xe của ông Trần Bá Dương cũng gặp khó với xe BMW nhập khẩu hồi đầu 2018, sau khi giành quyền phân phối từ Euro Auto, nhưng lợi ích từ mảng lắp ráp quan trọng hơn cả.
Công nhân lắp ráp i10 tại nhà máy của Hyundai Thành Công ở Ninh Bình. Ảnh: Đức Huy |
Cùng một cách làm, Hyundai Thành Công khi ấy cũng có công văn gửi lên người đứng đầu Chính phủ, nói "Thành Công khẳng định sự đồng thuận tối đa", mong quyết liệt hơn để phát triển ngành sản xuất.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc hãng xe có nhà máy ở Ninh Bình còn cho rằng, nếu chỉ có Nghị định 116 siết nhập khẩu và Nghị định 125 ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% là chưa đủ với xe lắp ráp, là "chính sách nửa vời". Chuyên gia trong ngành đánh giá, để chính sách trở nên tròn trịa, không còn nửa vời, điều mà Trường Hải hay Hyundai Thành Công đang trông đợi, là đề xuất miễn thuế Tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra ở trong nước, sớm thành hiện thực.
Doanh số xe lắp ráp và nhập khẩu "ngược chiều"
Tác động của Nghị định ảnh hưởng rõ rệt lên tình hình kinh doanh ngành bốn bánh. Sau 9 tháng năm 2018, trong khi doanh số xe lắp ráp tăng 11% so với cùng kỳ 2017 thì xe nhập khẩu giảm tới 34%.
Mức tăng của xe lắp ráp không thể bù mức giảm của xe nhập khẩu, khiến toàn thị trường doanh số giảm 2% so với cùng kỳ, tức số lượng người Việt mua được ôtô ít hơn năm ngoái, trái với trông đợi bùng nổ vì thuế về 0%. Riêng Hyundai Thành Công không thuộc VAMA, hãng này chuyển phần lớn doanh số từ nhập khẩu sang lắp ráp. Hết 9 tháng, tới 98,6% doanh số xe con của Hyundai là lắp ráp.
Khách hàng Việt hứng chịu biến động thị trường
Trong guồng quay của chính sách, các hãng xe đều điều tiết để đảm bảo lợi ích cuối cùng trong kinh doanh là thị phần và lợi nhuận. Mọi tác động từ nhỏ đến lớn, đều làm thay đổi giá xe.
Theo quy luật cung cầu, khan hiếm xe nhập khẩu - giá xe tăng, theo hai cách: tăng giá trực tiếp, buộc mua phụ kiện. Toyota Fortuner, Rush, Honda CR-V, Ford Everest đều được đại lý tận dụng áp dụng cách này để kiếm lời, với mức tăng khoảng 70-150 triệu đồng tùy xe.
Người mua rơi vào hai thái cực, chấp nhật mất thêm tiền có xe sớm hoặc phải chờ đợi. Nhiều người không chịu được chờ đợi, chuyển sang mua xe khác.
Khách hàng tham khảo xe Rush tại một đại lý Toyota ở TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn. |
Thời cơ cho xe lắp ráp không đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ dễ mua hơn. Ngược lại, tương tự xe nhập khẩu, xe lắp ráp cũng rơi vào tình trạng khan hàng. Hầu hết các mẫu xe lắp ráp đều "hot", khách hàng phải đợi nhiều tháng.
Ngọc Linh (Thanh Hóa), đã đóng tiền cọc mua Hyundai Kona nhưng vì chờ quá lâu nên chuyển sang Accent, hai mẫu xe không liên quan về công năng. Nhưng không khả quan hơn, Accent cũng phải chờ tới cuối năm.
Đại diện Hyundai Thành Công cho biết, kế hoạch bán hàng giai đoạn này không còn những áp lực về việc ký được bao nhiêu đơn mà là "trả được bao nhiêu hàng". Nhà máy có đáp ứng được nhu cầu của khách hay không mới là quan trọng, còn doanh số, vẫn tự động chảy về số lượng lớn.
Nghị định 116 - chỉ bước khởi đầu
Giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật nhận định như vậy khi nói về những khó khăn tiếp theo. Vị này cho biết, với sự xuất hiện của VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, với những khoản đầu tư cho nhà máy, dây chuyền của Hyundai Thành Công và Trường Hải, ngành ôtô Việt Nam trong tương lai sẽ là lắp ráp. Điều đó đồng nghĩa, xe nhập khẩu còn nhiều khó khăn.
Hiện các hãng đã giải quyết xong hết các thủ tục để nhập xe, dần dà lượng xe đổ về sẽ ổn định, thị trường lại đi vào thế cân bằng giữa lắp ráp và nhập khẩu. Nếu theo chiều hướng này, rõ ràng không có lợi cho xe lắp ráp.
"Những hàng rào mới sẽ được dựng lên để kiểm soát chặt xe nhập khẩu", ông cho biết.
Ngay từ tháng 3/2018, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Khoa học và Công nghệ (KHCN) đề nghị tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý mặt hàng này, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng cho rằng sắp có thêm các chính sách khác để khuyến khích xe lắp, hạn chế xe nhập. Gần nhất có thể là miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần sản xuất trong nước (cơ hội giảm giá xe lắp ráp) và tăng phí trước bạ xe bán tải (vốn toàn nhập khẩu). Đây đều là các đề xuất đang được cơ quan hữu trách xem xét áp dụng.
Sau một năm căng thẳng, hãng xe nhập khẩu đã an phận với ràng buộc, tìm cách khác tiếp cận khách hàng. Hãng xe lắp ráp thì sẵn sàng bung sức trên bàn đỡ của chính sách. Một giai đoạn mới trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam bắt đầu từ 2018.
Còn người mua, sau những mẫu xe nhập khẩu "thông quan sớm", đang hy vọng lấy được xe càng sớm càng tốt, và cũng sợ bị đại lý làm giá. Dù chính sách tác động thế nào, khi hãng xe gặp khó trong nguồn cung, là lúc khách hàng Việt phải chịu thay, bằng khoản tiền hàng trăm triệu vơi bớt trong tài khoản.