Ông La Nyalla Mattalitti được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Indonesia
Ông La Nyalla Mattalitti phát biểu trước báo giới. (Nguồn: wartaekonomi)
Kết quả bỏ phiếu được truyền thông sở tại loan tối 1/10 cho biết ông La Nyalla Mattalitti đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Đại diện Khu vực (DPD, Thượng viện) Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cuộc bỏ phiếu kéo dài hơn 3 tiếng trong khuôn khổ phiên họp toàn thể thứ 3 của Thượng viện với sự tham dự của 134/136 thượng nghị sỹ.
Ông La Nyalla, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), được 47 phiếu ủng hộ, xếp trên 3 đối thủ cạnh tranh là các chính trị gia Sultan Bachtiar được 40 phiếu, Mahyudin được 28 phiếu và Nono Sampono được 18 phiếu.
Theo quy định, 3 nhân vật này sẽ nghiễm nhiên được bầu làm Phó Chủ tịch Thượng viện.
Cũng trong đêm 1/10, các nghị sỹ vừa tuyên thệ nhậm chức của Hội đồng Đại diện Nhân dân (Hạ viện) Indonesia đã bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo đó, bà Puan Maharani, thành viên Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) cầm quyền đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Đây là nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Indonesia kể từ hơn 70 năm qua.
Bà Puan Maharani trở thành nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Indonesia kể từ hơn 70 năm qua. (Nguồn: coconuts)
Tân Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani, sinh năm 1973, là cháu gái của Tổng thống đầu tiên của Indonesia Soekarno và là con gái ruột cựu Tổng thống thứ 5 của Indonesia, Megawati Soekarnoputri, người đang nắm giữ chức Chủ tịch PDI-P.
Bà Maharani cũng được biết đến là Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa trong Nội các đương nhiệm và từng là lãnh đạo PDI-P trong Hạ viện nhiệm kỳ 2012 - 2014.
Trước đó, sáng 1/10, Quốc hội lưỡng viện của Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024 đã tuyên thệ nhậm chức trong bối cảnh hàng chục nghìn sinh viên, các nhà hoạt động và công nhân xuống đường biểu tình từ gần 10 ngày qua tại thủ đô Jakarta và nhiều thành phố lớn trên cả nước nhằm phản đối một đạo luật mới được cho là làm suy yếu Cơ quan chống tham nhũng (KPK), cũng như các dự luật hình sự, đất đai, khai mỏ, tài nguyên và lao động với nhiều điều khoản gây tranh cãi và bị cáo buộc làm lợi cho các nhà tài phiệt.
Các cuộc biểu tình nói trên có quy mô lớn nhất kể từ làn sóng biểu tình năm 1998 châm ngòi cho các vụ bạo loạn và dẫn tới sự sụp đổ của cựu Tổng thống Suharto.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 2 sinh viên đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, trong đó có 265 sinh viên và 39 cảnh sát./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)