Nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bé trai 5 tuổi
Bác sĩ kiểm tra lại vết thương cho bệnh nhi. |
Ngày 13/4, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phước Bình, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhi H. được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khá hoảng loạn, chấn thương đầu, trầy xước trên mặt và bàn tay bị đứt lìa hoàn toàn. Trước tình trạng của bệnh nhi, êkip tiếp nhận của khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ, khẩn cấp phối hợp các khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình để đưa bé đến phòng mổ trong thời gian sớm nhất để nối lại bàn tay đứt lìa cho bé. Theo bác sĩ Nguyễn Phước Bình, thông thường, trẻ em cấp cứu sẽ được chuyển sang các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy có khoa Ngoại thần kinh vẫn tiếp nhận trẻ bị chấn thương sọ não, tuy nhiên riêng chấn thương chỉnh hình thì đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên bệnh viện tiếp nhận cấp cứu và nối lại tay bị đứt lìa hoàn toàn.
“Thời gian vàng để cứu bàn tay đứt lìa là 4 giờ, nhưng với bệnh nhi này đã hơn 5 giờ, tức là qua thời gian vàng. Do đó, nếu chuyển bệnh nhi sang bệnh viện khác thì thời gian kéo dài và khả năng cứu sống bàn tay sẽ không cao. Với bệnh nhi nhỏ 5 tuổi, cấu trúc của cơ thể chưa hoàn chỉnh, mạch máu rất bé nên chúng tôi đã phải dùng kính hiển vi; đồng thời huy động thêm một bác sĩ về vi phẫu để nối lại bàn tay cho bé”, bác sĩ Phước Bình chia sẻ thêm. Sau 7 giờ vi phẫu, bóc tách, nối mạch máu, gân, cơ, xương thì ca phẫu thuật đã thành công. Sau ca mổ, bệnh nhi được theo dõi sát tại khoa hậu phẫu. Hiện tại, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định, dịch ở vết mổ cẳng bàn tay phải đã khô, bàn tay cũng hồng ấm và các ngón tay đã vận động nhẹ được. Bác sĩ Phước Bình cho biết thêm, dự kiến bệnh nhi H. sẽ được xuất viện vào tuần sau. Sau xuất viện, bệnh nhi vẫn phải tập vận động và sẽ được tái khám theo dõi trong vòng 6 tháng. Tùy vào thời điểm khác nhau, các bác sĩ sẽ có những bài tập vận động khác nhau cho bé.