Nhạc sĩ Thuận Yến trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh vì thiếu giải thưởng?
Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố danh sách các tác giả được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V – năm 2016, dư luận lại xôn xao khi biết có những nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nhưng lại chưa được xét tặng trong đợt này. 7 hồ sơ (không tính nhà thơ Xuân Quỳnh) chưa được xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dù đã qua 3 vòng xét duyệt ở cơ sở với số phiếu từ 90% trở lên là: Nhạc sĩ Thuận Yến; Nhạc sĩ – NSND Đinh Ngọc Liên; Nhà thơ Thu Bồn; Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo; GS.NSND Trần Bảng; Nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao.
Ngay lập tức, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến và nhạc sĩ – NSND Đinh Ngọc Liên đã gửi tâm thư lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTT&DL. Trong thư, NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ nhạc sĩ Thuận Yến mong muốn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương gặp gỡ và giải thích cho gia đình lý do nhạc sỹ Thuận Yến không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này.
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến - NSƯT Hồ Thanh Hương (Ảnh tư liệu) |
“Cuộc đời nhạc sĩ Thuận Yến từ 15 tuổi tham gia cách mạng tới 83 tuổi về với trời. Cả gia đình, bạn bè, đồng chí kính nể, trân trọng sức lao động sáng tạo bền bỉ của nhạc sĩ”, NSƯT Hồ Thanh Hương viết.
Còn bà Đinh Tuyết Lan, con gái nhạc sĩ – NSND Đinh Ngọc Liên thì bày tỏ: “Khi ông còn sống cũng như khi đã mất, chưa bao giờ gia đình tôi đòi hỏi cái gọi là “bản quyền” mà các tác phẩm của ông đến bây giờ vẫn được sử dụng, chỉ lấy đó làm niềm tự hào của gia đình. Khi ba tôi được Hội đồng xét duyệt đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, cả gia đình đều thầm cảm ơn Hội đồng xét duyệt và những người làm nghề biết ông và đã không quên ông. Nhưng cho đến hôm nay, danh sách được trao giải lại không có tên ông???
Trong khi đó, từ các nhạc sĩ cùng thời với ông như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận…đến các nhạc sĩ đàn em, có cả học trò của ông đã được vinh danh rồi...Những tác phẩm của ông là những trang ghi chép lịch sử Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Gia đình chúng tôi chỉ mong muốn nhận được sự công bằng, ghi nhận những cống hiến và tài năng, những sáng tác có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà của ba tôi – NSND Đinh Ngọc Liên”.
Chiều 1/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong lần đầu tiên xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP được ban hành từ năm 2014. Theo đó, 7 hồ sơ chưa được xem xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” đợi này vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp theo Khoản 3, Điều 9 của Nghị định này.
Riêng trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh hiện đã đủ điều kiện để xét thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh sau khi Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có giấy xác nhận tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng" của bà đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ VHTT&DL sớm sửa đổi, bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các giải thưởng này có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt (có đóng góp lớn lao cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước, được xã hội, được lịch sử và được công chúng ghi nhận) trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.
"Những ai mà được xã hội, dân tộc ghi nhận và thực sự có đóng góp, hy sinh, nhất là các đồng chí đó đã qua đời thì càng phải được chú ý tôn vinh. Trong chiến tranh, không ai đặt vấn đề giải thưởng nhưng những bài ca, tiếng hát, tác phẩm đó còn mãi mãi với dân tộc. Chúng ta xem xét là vì chuyện đó. Nhưng vận dụng như thế nào cho chặt chẽ, quy trình, quy định, bổ sung như thế nào để không bị lạm dụng, không làm phức tạp, đó mới là vấn đề. Hội đồng bình chọn đều là những người nổi tiếng thì chắc chắn ai cũng biết rõ các tác phẩm đó như thế nào", Thủ tướng nói.
"Không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước", Thủ tướng khẳng định, "Đừng để xảy ra việc vì giấy tờ, quy trình thế rồi, không thể bổ sung thêm người nào dù người đó có là lãnh tụ hay xuất sắc nhất. Chúng ta phải vận dụng linh hoạt. Ví dụ một người đã hy sinh, họ không còn giấy tờ gì, họ mất cách đây mấy chục năm làm gì còn giấy tờ gì nữa, nhưng tác phẩm của họ để lại cho dân tộc, cho đất nước vẫn còn đó, chúng ta phải có trách nhiệm đánh giá một cách khách quan".
Trước đó, ngày 23/2, trong hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: "Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”.
Trên thực tế, lâu nay, việc xét tặng giải thưởng Nhà nước, các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân thường gây ồn ào trong dư luận vì có những quy định, quy trình xét duyệt chưa công bằng, hợp lý, còn nặng về cơ chế xin-cho. Nhiều văn nghệ sĩ có lòng tự trọng cao đã nhất quyết không làm hồ sơ, không viết đơn “xin” phong tặng danh hiệu hay xét tặng giải thưởng.
Vì vậy, việc sửa đổi Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật” cần thiết phải làm ngay để tránh thiệt thòi cho các văn nghệ sĩ bởi 5 năm mới có một đợt xét tặng. Những chỉ đạo thấu tình, đạt lý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khiến các văn nghệ sĩ yên tâm hơn và dư luận tin tưởng rằng công lao đóng góp của các văn nghệ sĩ đối với nền văn học nghệ thuật, với đất nước sẽ được ghi nhận, tôn vinh thực sự xứng đáng và công bằng nhất./.