Người dân bước đầu “gửi sinh mạng” cho cấp cứu ngoại viện
Một thời “ì ạch”
Kết quả từ cuộc khảo sát của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (nay là Trung tâm Cấp cứu 115) được thực hiện vào năm 2010 trên tổng số 2.175 người cho thấy: chỉ có 16% số người được hỏi biết thành phố có dịch vụ cấp cứu ngoại viện và 32,1% người biết số điện thoại gọi đến dịch vụ cấp cứu này là 115. Số người còn lại hoặc không biết hoặc biết số 115 nhưng nhầm sang Bệnh viện Nhân Dân 115.
Được cấp cứu tại hiện trường trước đây từng là mong mỏi xa vời với người bị nạn |
Thực tế trên là do dịch vụ cấp cứu ngoại viện khi đó còn quá hạn chế về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn (chỉ có 6 xe cứu thương). Khả năng đáp ứng thấp trong khi dân số đông, địa bàn rộng, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra nên khi có cuộc gọi cấp cứu, xe cứu thương thường đến trễ khiến người bệnh mất đi thời gian vàng. Nhiều trường hợp khi nhân viên cấp cứu có mặt thì cũng là lúc thân nhân đang chuẩn bị... thủ tục tang lễ cho người bệnh.
Vì thế, khi xảy ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, hầu hết ca bệnh được người dân chuyển đi cấp cứu bằng phương tiện cá nhân hoặc xe taxi. Điều đó khiến bệnh nhân không được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách, nguy cơ tai biến, biến chứng, tử vong rất cao, gây ra tâm lý mất niềm tin lan rộng trong cộng đồng.
Cấp cứu ngoại viện bước đầu “lột xác”
Hệ thống cấp cứu ngoại viện đang dần đáp ứng nhu cầu của người bệnh |
Để cải thiện năng lực cấp cứu ngoại viện cho thành phố, tháng 12/2013 Sở Y tế quyết định tách Trung tâm Cấp cứu ra khỏi Bệnh viện Cấp cứu Trưng vương. Đồng thời triển khai hệ thống cấp cứu ngoại viện theo mô hình (Paramedic) được thực hiện tại các nước phát triển.
Sau sự ra đời của những Trạm Cấp cứu Vệ tinh đầu tiên tại Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn, Bệnh viện Quận Bình Tân (năm 2015), tính đến ngày 21/10 thời điểm Bệnh viện Quận 11 ra mắt Trạm Cấp cứu Vệ tinh, hiện toàn thành phố có 12 trạm cấp cứu.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thương, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, số Trạm Cấp cứu Vệ tinh trong thời gian ngắn đã tăng gấp đôi so với mục tiêu ban đầu của Sở Y tế. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có 6 trạm tiếp tục được triển khai với mục tiêu bao phủ dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên toàn thành phố.
Cấp cứu, chuyển viện kịp thời sẽ giúp người giảm thiểu rủi ro nguy hiểm tính mạng |
Đánh giá hiệu quả triển khai mô hình, BS Trần Vĩnh Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Nếu năm 2013, trung bình mỗi ngày trung tâm chỉ nhận được hơn 10 cuộc gọi thì năm 2014 số cuộc gọi đến tăng lên 14 bệnh nhân/ ngày (khoảng 6.000 ca trong năm); sang năm 2015 tiếp nhận trung bình 16 cuộc gọi/ ngày (khoảng 9.000 ca trong năm); riêng 9 tháng đầu năm 2016, số cuộc gọi cấp cứu đã tăng vọt với khoảng 90 ca/ ngày (trên 11.000 cuộc gọi trong 9 tháng).
Khả năng ứng cứu của hệ thống cấp cứu ngoại viện cũng được cải thiện, trước đây phải mất 18 phút từ khi nhận cuộc gọi đến khi điều xe tới hiện trường. Hiện nay, nhờ hệ thống các trạm vệ tinh gần nhất với cuộc gọi của người dân, thời gian đáp ứng đã rút ngắn xuống dưới 10 phút. Việc rút ngắn thời gian trên đã tăng được thời gian vàng trong cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, tai biến hoặc tử vong, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện và dịch vụ khám chữa bệnh.