Nghi sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình: 7 bệnh nhân đã tử vong
Liên quan đến vụ tai biến sốc phản vệ hàng loạt đối với 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, đến 0 giờ ngày 30/5, đã có thêm 1 bệnh nhân tử vong, nâng số bệnh nhân tử vong lên 7 người, 1 người trong tình trạng nặng và 10 người còn lại được chuyển lên tuyến trên trong đêm.
Một bệnh nhân nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. |
Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc và khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận các bệnh nhân này.
Báo cáo của Bệnh viện cho biết, sáng 29/5, tại Khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Sau 45 phút chạy thận, những bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng… Bệnh viện đã cho dừng chạy thận và báo cáo sự việc đến Sở Y tế.
Bệnh viện cũng đã tập trung hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân, đồng thời báo cáo đến Bộ Y tế và xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai.
Tối và đêm qua (29/5), cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi và điều tra nguyên nhân. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình- Trương Quý Dương gửi lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc gia đình bệnh nhân vì đã để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng này.
Sau khi xảy ra tai biến, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình dừng tất cả các ca chạy thận nhân tạo khác. Bệnh viện thường xuyên có 126 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ngày 4 ca, từ 7 giờ sáng đến đêm.
Tối 29/5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các bác sỹ đầu ngành khoa Cấp cứu, Thận nhân tạo và Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo vẫn diễn ra trên thế giới nhưng với các trường hợp đơn lẻ. Tai biến xảy ra hàng loạt tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và hy hữu. Dù nguyên nhân là gì thì đây cũng là bài học cực kỳ đau xót cho những người làm chuyên ngành Thận nhân tạo.
Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngoài 7 bệnh nhân đã tử vong, có 1 người đang nguy kịch, còn lại 10 bệnh nhân tạm thời ổn định, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn đã qua cơn nguy hiểm.
Tiến sỹ Cơ đề xuất 10 bệnh nhân này cần được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay. Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc và Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân.
Tiến sĩ Đào Xuân Cơ cũng yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hòa Bình có phương án chuyển hơn 100 bệnh nhân thường xuyên chạy thận nhân tạo về Hà Nội điều trị khi khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện này tạm dừng hoạt động. Nếu những bệnh nhân này sau 1 ngày không được chạy thận nhân tạo, vì thế có nguy cơ tăng urê, tăng huyết áp, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Kết luận buổi làm việc, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hòa Bình dừng hoạt động chạy thận nhân tạo; đồng thời đồng ý với đề xuất chuyển 10 bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai điều trị và chuyển hơn 100 bệnh nhân về Hà Nội chạy thận.
Theo đó, ông Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai và Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc sẵn sàng tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân của Hòa Bình về chạy thận từ sáng 30/5.
Theo ghi nhận của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài 7 bệnh nhân đã tử vong, 1 người nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, thì trong ngay trong đêm, 10 bệnh nhân bị tai biến đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn khác cũng sẽ được đưa về Hà Nội chạy thận từ sáng nay (30/5).
Chúng tôi tiếp tục cập nhật tình hình trong bản tin tiếp theo./.