Nghệ sĩ Minh Vượng: “Năm nào tôi cũng tự xông nhà đêm 30 Tết”
Nhân dịp năm mới xuân Đinh Dậu, VOV.VN có cuộc trò chuyện với NSƯT Minh Vượng.
NSƯT Minh Vượng. |
PV: Cuối năm có phải là dịp bận rộn nhất của chị? Chị có bao giờ chạy sô dịp Tết?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Tôi bận rộn cả năm, nhưng những tháng cuối năm bao giờ cũng bận rộn hơn cả vì các chương trình chồng chéo. Tết đến, nếu mà cứ “cả nể to bụng”, tôi thường xuyên chạy đêm 30. Cũng có những nơi người ta giữ chân tôi bằng cách, vừa mới diễn tối 30, hôm sau vẫn phải đi diễn ngày mùng 1 vì họ nói đã rải tờ rơi rồi. Tôi không thể thất hứa với khán giả được. Hầu như ngày Tết tôi cũng ít ở nhà. Mùng 1 Tết có những hôm ở Nhà hát Kịch Hà Nội, 4 giờ chiều đã phải đi diễn cho các quận, huyện ngoại thành phục vụ quần chúng. Nghề của tôi cũng như nghề công an, họ gác cho dân ngủ, còn diễn viên mang lời ca tiếng hát để phục vụ quần chúng những ngày Tết. Thế nên hầu như giới nghệ sĩ không có Tết.
Quanh năm tứ mùa, nhiều khi người nhà cũng trách, đi làm cả năm, chỉ còn 5 ngày Tết nhưng lại chẳng trọn vẹn. Nhưng không sao. Tôi vui khi được sống với nghề, được khán giả yêu quý. Không phải nghệ sĩ nào cũng có được niềm sung sướng ấy.
PV: Công việc bận rộn như thế thì chị chuẩn bị Tết như thế nào?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Tôi vẫn chuẩn bị được chứ, từ trước Tết 2 tuần, tôi đã mua đồ khô để dành như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh kẹo… Những đồ tươi sống tôi đặt hàng quen. Đến 10h sáng 30 Tết, tôi đã kiện toàn đầy đủ thực phẩm cho mấy ngày Tết
Với tôi, chuẩn bị Tết quan trọng nhất lại không phải là ăn, mà tôi luôn “rình rập” tìm những cành đào đẹp. Tôi chơi đào từ cả tháng Chạp cho đến Tết, nhà tôi dùng từ ba đến năm cành đào. Nhưng kỳ công nhất vẫn là lọ hoa gồm có lay ơn, violet, thược dược. Bạn bè đến nhà tôi thường cũng chỉ ngắm lọ hoa ấy thôi, nó mang một màu sắc rất riêng, rất Hà Nội. Được một bó hoa mà mình hài lòng, cắm vào lọ pha lê cao 40 phân, trông quyến rũ và sang trọng. Nhà tôi ăn tinh thần là chính.
PV: Cảm xúc của chị mỗi dịp Tết đến xuân về?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Không phải riêng mình tôi, mà hầu như toàn bộ người Việt, những ngày cận kề Tết đều cảm thấy có gì đó chộn rộn, rạo rực, háo hức, hớn hở để đón một mùa xuân.
Chuẩn bị đón một năm mới, tôi dành nhiều thời gian nghĩ về quá khứ. Tết năm nào cũng thế, những lúc không làm việc, không biểu diễn, tôi lại nhớ nhiều về cái Tết những năm lên 7, những năm 15, 16 tuổi, đón những cái Tết khi ông bà bố mẹ còn đầy đủ. Không gì vui sướng hơn là Tết trong gia đình, đầy đủ người thân, rồi mỗi năm mình già thêm đi. Những thế hệ già như ông bà, bố mẹ mình mất đi.
Tôi nhớ về không khí Tết ngày xưa, người Hà Nội lúc bấy giờ lịch sự, văn minh, ăn nói nhỏ nhẹ, đường phố vắng vẻ. Người người hòa nhã, thân thiện. Chứ bây giờ đời sống có cao hơn thật đấy, nhưng mỗi lần ra đường là lại thấy ngại, xe cộ tắc nghẽn… Mọi người ai cũng hối hả lo toan một cái Tết. Nói thật là bây giờ, tôi lại không thích không khí Tết cho lắm, vì tôi là người dành thời gian cho biểu diễn, giảng dạy. Cứ đến Tết là tôi thấy tiếc thời gian. Bên cạnh việc hối hả làm các chương trình chồng đống lên, về nhà lại phải làm bất cứ công việc người phụ nữ nào cũng phải làm trong gia đình, phải lo toan đủ bề, không thể để cho bàn thờ ông bà hương khói lạnh lẽo được.
PV: Là người sống một mình, có khi nào chị cảm thấy buồn hay cô đơn, khi mà mỗi dịp Tết đến xuân về, xung quanh nhà nhà sum vầy đông đủ?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Tôi không cô đơn, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn vì nhà tôi anh chị em đều rất yêu thương nhau. Mọi người cứ nói đùa, đó là Minh Vượng ở nhà chỉ cần huýt sáo 5 phút là mọi người có mặt đông đủ hết. Anh em chọn mua nhà trong bán kính chỉ 300-500 mét, cho nên sang nhà nhau rất nhanh. Các anh chị em, cô chú, cháu bác quấn quýt nhau vui vẻ và hạnh phúc lắm. Còn tôi từ sáng đi làm đến 11-12h đêm, về thì đọc báo, nghe đài, xem TV, rồi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau lại là một guồng quay mới.
Tôi cũng phải cảm ơn cuộc đời, vì tôi làm nghề này, nghề mang lại tiếng cười. Nhờ nghề mà tôi có nghị lực sống, có tình yêu cuộc sống. Và tôi cũng chưa từng thất vọng về bất cứ điều gì.
PV: Chị có thói quen đặc biệt gì trong ngày Tết không?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Đêm 30, nếu như không chạy sô, trước giao thừa 5 phút tôi ra khỏi nhà, găm tiền vào túi, xong ra đầu ngõ xem pháo hoa, rồi về ngắt một lá lộc, xong tự xông nhà mình. Tôi nghĩ, “hay thì được nhờ, dở thì phải chịu”. Nhiều người mê tín cứ nhờ người xông đất, xong trong năm xảy ra chuyện gì thì bảo đấy là tại người ta. Thế nên từ khi lớn lên, hầu như tôi lúc nào cũng tự xông nhà.
Năm nào cũng thế, kể cả anh chị em trong nhà lúc nào cũng muốn tôi đến xông nhà. Mọi người bảo tuy sức khỏe tôi có vấn đề, nhưng được cái tôi đến xông nhà, mọi việc thông thoát, ai cũng cười tươi. Thế nên sáng mùng 1, tôi cứ đi 1 lượt xông nhà các anh chị em. Nhiều năm nay tôi không bỏ thói quen đấy.
PV: Từ nhiều năm nay, không thấy chị xuất hiện trong chương trình Táo quân. Vai diễn Táo Cơ chế của chị để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Chị có định tái xuất ở Táo quân hay không?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Tôi từng tham gia Táo quân từ năm đầu tiên cho tới mùa 2009 mới rời khỏi chương trình. Đó là bởi vì tôi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay nên phải tuân thủ đúng lịch ăn, ngủ theo quy định của bác sĩ. Trong khi đó các nghệ sĩ tham gia tập Táo quân gần như phải thức đến tận sáng, tập xuyên đêm, ăn uống thất thường. Thứ 2, tôi nghĩ là chương trình cần những gương mặt mới. Dù diễn viên có nổi tiếng, nhưng nhìn mãi một gương mặt khán giả có thể cũng cảm thấy nhàm. Tôi tự hỏi, chương trình liệu còn có cần mình không? Tôi nghĩ mình không làm việc này thì làm việc khác.
Vai diễn Táo Cơ chế của Minh Vượng trong Táo quân từng để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. |
PV: Cứ mỗi dịp năm mới, chị thường mong ước điều gì không?
Nghệ sĩ Minh Vượng: Tôi chỉ ước nguyện một điều, đó là có sức khỏe. Mọi người cũng biết là tôi bị tiểu đường, tim mạch, xương khớp nhiều năm, nhiều khi cứ phải gen chân lại để biểu diễn. Chân tôi rất đau. Thế nên chỉ mong có sức khỏe, có sức khỏe là có tất cả. Có sức khỏe sẽ ước được nhiều thứ. Không có sức khỏe chả ước được điều gì.
Tôi ước mình có sức khỏe để được diễn, mang đến cho công chúng những tác phẩm mang tính nghệ thuật, có tính định hướng, có thẩm mỹ, giáo dục. Bên cạnh đó, có sức khỏe để đứng trên bục giảng để truyền lại những kỹ năng biểu diễn cho những thế hệ trẻ bây giờ.
Cuộc sống của tôi đơn giản mà, chẳng ước mơ gì cao sang, chẳng nhà lầu xe hơi, chỉ mong có sức khỏe và làm sao trong cuộc sống của mình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và lòng nhân ái.
PV: Xin cảm ơn chị!./.