Ngạc nhiên cả nghìn hồ sơ nộp vào lớp 6 “đẹp không tì vết”
1.000/ 4.000 học bạ tròn trĩnh điểm tuyệt đối
Thầy Cương cho biết, mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, mỗi năm, trường THCS Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Điều đó khiến hội đồng tuyển sinh nhà trường ngạc nhiên và bối rối bởi lẽ hồ sơ nào điểm cũng "đẹp", cũng "xuất sắc", cũng “hoàn hảo”; không hề thấy điểm kém mà toàn điểm tuyệt đối.
Chưa hết, vì cả nghìn hồ sơ nộp vào đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao, giấy chứng nhận ngoại khóa…
PGS Văn Như Cương trăn trở hiện tượng cả nghìn hồ sơ “đẹp không tì vết”… |
Bản thân thầy Cương cũng đã nghe một số phụ huynh kể rằng, họ "trang bị" cho con mình thêm giấy khen từ cuộc thi với mục đích con được cộng điểm ưu tiên và có cơ hội vào trường với hình thức xét tuyển. Nếu trước đây, phụ huynh chủ yếu xin điểm học bạ thì nay lo thêm cả xin giải thưởng các cuộc thi cho con em…
Việc các gia đình đua nhau tìm cách xin nâng điểm, kiếm thêm giải thưởng cho con với hi vọng được ưu tiên trong quá trình xét tuyển vào nhiều trường cấp 2 có tính cạnh tranh cao khiến công tác xét tuyển gặp khó khăn bởi thước đo chính là điểm số đã bị can thiệp. Khi thước đo chính không phản ánh đúng năng lực học sinh thì dễ hiểu việc lựa chọn không thể đảm bảo tính chính xác, công bằng.
“Năm nay, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ “tròn trĩnh” điểm 10. Ngày xưa đi học, được điểm 7, điểm 8 môn Văn là đã mừng rú lên rồi, huống hồ học sinh thời nay em nào cũng… được điểm 10. Học bạ với điểm tuyệt đối suốt 5 năm cả Toán, cả Văn ở cả nghìn hồ sơ như vậy chắc hẳn ai cũng thấy vô lý. Tôi nghĩ nếu thực chất thì cùng lắm cả Hà Nội chỉ khoảng chục em xuất sắc được như vậy”, PGS Văn Như Cương nói.
Khi phụ huynh tìm mọi cách “đánh bóng” hồ sơ cho con…
Cũng theo thầy Cương, việc các gia đình cho con tham gia thêm các cuộc thi, các sân chơi trí tuệ, thể chất ngoài nhà trường là tốt nhưng tham gia chỉ cốt mục đích “đánh bóng” hồ sơ thì vừa khiến các em vất vả, vừa phần nào hình thành tâm lý không tốt ở trẻ.
Sự không trung thực của cha mẹ sẽ ảnh hưởng không tốt tới trẻ (ảnh minh họa) |
Cô Nguyễn Thị Hồng Hà (Phó Hiệu trưởng trường THCS Lômônôxốp) cho hay, bắt đầu 2 năm trở lại đây, trường cũng nhận nhiều hồ sơ học sinh đạt điểm đẹp hơn, bên cạnh đó vẫn có hồ sơ điểm thấp. Theo cô Hà, hiện nay ngoài điểm số là thước đo chính thì nhà trường cũng quan tâm đến các giải thưởng học tập, ngoại khóa của học sinh.
“Trong đó, chúng tôi ưu tiên các giải có tính chất chính thống, do Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT tổ chức để đảm bảo chất lượng. Bởi thực tế hiện nay “nở rộ” rất nhiều cuộc thi do các công ty tư nhân tổ chức nhằm mục đích lợi nhuận là chính, học sinh, phụ huynh rất dễ dàng kiếm giải, giấy chứng nhận”, cô Hà chia sẻ.
Đề cập đến hướng giải quyết hiện tượng hồ sơ “hoàn hảo” bằng cách xin/chạy điểm của phụ huynh, PGS Văn Như Cương cho rằng nên để một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá lớn được tổ chức thi tuyển và có thể không dùng tới các câu hỏi liên quan các môn văn hóa (vì có thể nảy sinh việc tổ chức luyện thi).
Theo thầy Cương, việc thi tuyển cũng là một thước đo công bằng hơn bởi lẽ việc cho điểm học bạ ít nhiều vẫn phụ thuộc vào mức độ đánh giá khác nhau của từng trường từ khâu ra đề, chấm thi, phân loại học sinh…
“Tôi nghĩ với một bài thi chung dành cho tất cả học sinh sẽ đánh giá chính xác nhất năng lực của các em”, thầy Cương nói.