Nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Gia đình anh Dương Văn Toàn hiện sử dụng hoàn toàn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày |
Gia đình anh Dương Văn Toàn ở xóm Cậy, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên thường dùng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước không được đảm bảo nên nước uống có mùi tanh.
Anh Toàn xóm Cậy chia sẻ: “Trước khi chưa có nguồn nước sạch ở Huống Thượng thì nhà tôi dùng nước giếng. Chất lượng khi đo không được đảm bảo, kiềm, đồng nhiều. Từ ngày có nước sạch, nhà tôi dùng hoàn toàn là nước sạch.”
Giống như gia đình anh Toàn, các hộ của xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ có thói quen sử dụng nước từ nhiều nguồn, như: giếng khoan, giếng đào, nước mưa tích trữ, vì thế nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng nước không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao. Vì thế, khi được tiếp cận với nguồn nước sạch, đúng với quy chuẩn của Bộ Y tế, bà con từng bước thay đổi thói quen cũ.
Bà Đặng Thị Tuyển, xóm Đồng Thịnh, xã Hóa Thượng cho biết: “Trước kia chưa có nước sạch nên nhà tôi dùng nước giếng khoan, không được đảm bảo lắm. Từ khi có nhà máy nước sạch ở đây, dân cư chúng tôi được dùng thoải mái, yên tâm.”
Công nhân vận hành tại Nhà máy nước Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ |
Để hỗ trợ, cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước từ nhiều nguồn khác nhau. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai xây mới 7 công trình và nâng cấp, mở rộng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 20 nghìn hộ.
Anh Đào Văn Sinh, cán bộ vận hành Nhà máy nước Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Công nhân phải trực trong vòng 8 tiếng và liên tục theo dõi các thiết bị trong nhà máy. Các hạng mục sục rửa liên tục trong các ca trực để đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân.”
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm Nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết: “ Để đạt được tỷ lệ đến năm 2020 có 95% tổng dân số nông thôn trong toàn tỉnh có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chúng tôi tập trung vào 2 giải pháp chính. Đó là đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn và nhân dân tự đầu tư, tức là người dân vay nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để tự đầu tư các mô hình phân tán nhỏ lẻ, đảm bảo nước hợp vệ sinh.”
Việc cung cấp nước sạch không những nâng cao chất lượng đời sống mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân chung tay thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để các công trình phát huy hiệu quả lâu dài, đơn vị quản lý cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, bảo dưỡng máy móc, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo chất lượng nguồn nước và tăng tuổi thọ công trình./.