Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”
Tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” |
Tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ sở hữu. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Như vậy, đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên.
Ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chế biến chè thì chúng ta cần phải nâng cao hiệu quả quản lý nhãn hiệu chè, để giúp cho bà con nông dân, những người sản xuất chè và đặc biệt là đến tay người tiêu dùng được yên tâm với những sản phẩm chè Thái Nguyên".
Thái Nguyên hiện có 22.200ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha. Năm 2023, năng suất chè bình quân đạt 126,99 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 267.500 tấn (tương đương 53.500 tấn chè búp khô), giá trị sản phẩm trà đạt 12.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 194 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Trước những tình trạng nhái nhãn mác của chè Thái Nguyên trên không gian mạng khiên cho người làm chè trên địa bàn tỉnh có sự lo lắng.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đố HTX chè Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ mong muốn: "Các cơ quan chức năng rà soát và có chế tài xử lý những đơn vị đã sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên mà chưa được bảo hộ, chưa được đăng ký, chưa được phép sử dụng".
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, Thái Nguyên: "Chúng tôi rất mong muốn sản phẩm khi mà cấp ra thị trường thì không những người sản xuất và những người tiêu thụ sản phẩm phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thu mua sản phẩm, để mình hưởng thụ sản phẩm đó đúng theo khoa học kỹ thuật, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình".
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ về giá trị thương hiệu, nhãn hiệu |
Nhằm nâng cao uy tín thương hiệu chè Thái Nguyên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ… các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ về giá trị thương hiệu, nhãn hiệu; đồng thời, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm chè có nhãn hiệu. Thường xuyên đẩy nạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân. Việc được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên là rất quan trọng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: "Chúng tôi luôn đồng hành với cán bộ, hội viên nông dân để giúp cho cán bộ, hội viên nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đồng thời cũng gìn giữ thương hiệu chè của mình, tránh tình trạng trà trộn các mặt hàng không đảm bảo chất lượng tiêu thụ ra ngoài thị trường".
Để tiếp tục thúc đẩy cho quá trình phát triển thương hiệu Chè Thái Nguyên trên thị trường cả nước và thế giới thì rất cần có sự chung tay xây dựng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, người trồng chè. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới ba yếu tố vô cùng quan trọng của việc xuất khẩu là phải đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm./.