Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu căng thẳng sau vụ bắt giữ nhân viên an ninh
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn không mấy êm thấm trong thời gian qua, nay lại bị đẩy lên một nấc thang mới khi hôm qua (15/6) nhà chức trách Mỹ cho biết đã phát lệnh bắt giữ 12 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vụ đụng độ người biểu tình trên đất Mỹ.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: criticalspectator. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ngay lập tức lên án hành động của Mỹ.
Cảnh sát trưởng thủ đô Washington, ông Peter Newsham cho biết, 12 nhân viên an ninh nêu trên thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng thống Tayyip Erdogan đến thăm Mỹ hồi tháng trước. Họ bị cáo buộc tấn công người biểu tình ôn hòa bên ngoài dinh thự Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Danh tính của họ đã được xác định thông qua đoạn băng video ghi lại hình ảnh vụ tấn công ngày 16/5.
Phát biểu với báo chí, ông Peter Newsham nhấn mạnh rằng "tại Mỹ và đặc biệt là thủ đô Washington, biểu tình hòa bình là một quyền bất khả xâm phạm". Tuy nhiên, quan chức này không cho biết cảnh sát Mỹ sẽ làm thế nào để bắt giữ nhân viên an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không dung túng cho những cá nhân có hành vi hăm dọa hay sử dụng bạo lực để kiềm chế quyền tự do ngôn luận cũng như quyền biểu đạt chính trị hợp pháp. Hiện, Mỹ đang cân nhắc một số bước đi tiếp theo trong vụ việc.
Bà Heather Nauert nói: “Hành động mà chúng tôi đưa ra phù hợp với các cáo buộc này. Chúng tôi sẽ tập trung làm việc với các nhân viên thực thi pháp luật để đảm bảo những đối tượng chịu trách nhiệm gây ra hành vi bạo lực phải trả giá cho hành động đó”.
Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Erdogan tuyên bố Mỹ không có quyền bắt giữ các nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ bảo vệ ông trước "những kẻ khủng bố", đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối hành động này trên cả mặt trận chính trị và tư pháp.
Ông Erdogan nêu rõ: “Nhân viên an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ không hề có bất cứ hành động nào chống lại người biểu tình. Vậy mà phía Mỹ lại ban hành lệnh bắt giữ họ với cáo buộc có hành vi bạo lực. Điều này đặt ra câu hỏi về hệ thống luật pháp mà Mỹ đang áp đặt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống lại lệnh bắt giữ cả trên mặt trận chính trị lẫn tư pháp.”
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ tới để thảo luận về vụ việc. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ quyết định của Mỹ là "sai lầm, thiên vị và thiếu cơ sở pháp lý", đồng thời cho rằng vụ xung đột bên ngoài dinh thự Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ xảy ra là do thiếu sót của lực lượng an ninh nước chủ nhà, chứ không phải trách nhiệm của công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Những tranh cãi và phát ngôn gay gắt của cả hai bên được ví như “giội gáo nước lạnh” lên mối quan hệ mới ấm trở lại phần nào giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Erdogan. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhìn bề ngoài là đồng minh của nhau trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn bị bao phủ vì nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ.
Mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng từ trước đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề nhắc đến lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn việc Mỹ chậm trễ trong việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này cần được trợ giúp nhất.
Theo giới quan sát, bất đồng chồng chất khiến hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thêm sâu sắc và có thể ngăn trở những nỗ lực hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực./.