Mỹ không can dự, lệnh ngừng bắn Syria sẽ có sự khác biệt?
Thỏa thuận này đạt được Đây là sáng kiến ngoại giao quốc tế lớn tại Trung Đông đầu tiên trong nhiều thập kỉ qua mà thiếu vắng tiếng nói của Mỹ, được kỳ vọng sẽ là cơ hội để chấm dứt 6 năm cuộc nội chiến tại Syria.
Lệnh ngừng bắn tại Syria sẽ ra sao nếu không có sự tham gia của Mỹ vẫn là một dấu hỏi lớn? Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/12 đã thông báo về lệnh ngừng bắn sau khi đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin cho biết, các nhóm đối lập và Chính phủ Syria đã kí một số văn kiện bao gồm lệnh ngừng bắn, biện pháp giám sát lệnh ngừng bắn và tuyên bố sẵn sàng tham gia đối thoại hòa bình.
Các nhà quan sát và lực lượng đối lập Syria cho biết, có một số vụ đụng độ giữa các nhóm vũ trang và quân đội chính phủ dọc đường biên giới giữa tỉnh Idlib và Hama, có tiếng súng nổ ở khu vực phía Nam chỉ 2 giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tuy nhiên, nhận định tình hình chung thì các bên đều đã ngừng giao tranh tại nhiều khu vực khác.
Đây là lệnh ngừng bắn thứ 3 được thực hiện trên toàn Syria trong năm nay. Hai lần ngừng bắn trước đó do Nga và Mỹ làm hòa giải, có hiệu lực vào tháng 2 và tháng 9, nhưng cả hai lần đều thất bại chỉ vài tuần sau khi các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Lệnh ngừng bắn mới nhất được thực hiện sau khi quân đội và các đồng minh đang giành thắng lợi lớn trong việc kiểm soát các khu vực còn lại của đất nước, khiến phe đối lập Syria phải có nhiều nhượng bộ.
Người phát ngôn của Liên minh quân đội Syria tự do (FSA) Osama Abu Zaid cho biết, phe đối lập Syria sẽ tuân theo lệnh ngừng bắn và sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại hòa bình tương lai.
“Lệnh ngừng bắn có hiệu lực trên toàn Syria. Lệnh ngừng bắn này cũng được áp dụng tại các khu vực của các tay súng đối lập Syria. Trong các cuộc đối thoại, Chính phủ Nga cũng đảm bảo quân đội chính phủ Syria và các đồng minh sẽ ủng hộ thỏa thuận này”, ông Zaid cho biết.
Lệnh ngừng bắn mới nhất cũng là sáng kiến ngoại giao quốc tế lớn đầu tiên về Trung Đông trong nhiều thập kỉ qua mà không có sự can dự của Mỹ. Lệnh ngừng bắn đạt được trước đó với trung gian hòa giải giữa Mỹ và và Nga cũng thăng trầm theo từng giai đoạn trong mối quan hệ giữa hai cường quốc vốn nhiều sóng gió này.
Ngoài ra, sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia luôn ủng hộ lực lượng đối lập Syria bấy lâu nay cũng có thể là yếu tố giúp lệnh ngừng bắn được giữ vững.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng đây sẽ là cơ hội chấm dứt đổ máu tại Syria: “Chúng ta có một cơ hội để chấm dứt đổ máu tại Syria bằng một giải pháp chính trị. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này. Đây là cơ hội lịch sử và cánh cửa này không nên đóng lại”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrop cho biết, Mỹ có thể tham gia vào tiến trình hòa bình Syria ngay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Nga cũng muốn Ai Cập cùng với Saudi Arabia, Qatar, Iraq, Jordan và Liên Hợp Quốc tham gia. Để đảm bảo lệnh ngừng bắn không thất bại, Tổng thống Putin cũng cho biết đang chuẩn bị các cuộc đối thoại hòa bình Syria, dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Ngoại trưởng Syria Walid Al Moualem lạc quan cho rằng, lệnh ngừng bắn này sẽ có cơ hội thực sự để đạt được một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột Syria: “Đây là cơ hội thực sự để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, giúp chấm dứt đổ máu và tạo tiền đề cơ bản cho tương lai của đất nước. Chúng tôi tin tưởng vào Nga bởi vì đây là đối tác của chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Tuy nhiên, vật cản lớn nhất hiện nay đối với số phận của lệnh ngừng bắn mới nhất này là không bao gồm một số nhóm vũ trang tại Syria. Tham gia thỏa thuận ngừng bắn này có các lực lượng Chính phủ Syria và 7 nhóm vũ trang đối lập với khoảng 60.000 tay súng.
Lệnh ngừng bắn này lại không bao gồm cuộc chiến chống nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và các tay súng thuộc Mặt trận al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Do đó, có nhiều lo ngại những nhóm vũ trang này có thể tận dụng khoảng dừng để mở rộng lãnh thổ, buộc Chính phủ Syria và đồng minh phải đáp trả, gây phức tạp thêm cho việc duy trì lệnh ngừng bắn.
Mặc dù vậy, chiến thắng mới đây tại Aleppo của quân đội Syria đang dần thay đổi cục diện mới cho cuộc nội chiến, và cho đến thời điểm này đang đi theo chiều hướng tích cực hơn, mở ra cơ hội mới cho các bên tại Syria chính thức ngồi vào bàn hòa đàm.
Giới quan sát cũng nhận định, với những diễn biến hiện nay, cơ hội cho nhóm đối lập buộc Tổng thống Syria Bashar Al Assad phải từ chức cũng xa vời hơn bất cứ thời điểm nào trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này./.