Mỹ cần thúc đẩy đàm phán Hiệp ước Hòa bình Triều Tiên
Sau thời gian ngưng trệ, đàm phán với Triều Tiên đang lấy lại đà với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đặt chân lên thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và tham gia cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 trong năm 2018. Kết quả Thượng đỉnh này bước đầu rất khả quan với sự chào đón nhiệt tình của phía Triều Tiên và việc hai bên đã tích cực hướng tới một thỏa thuận song phương về chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
Ba chính trị gia trung tâm trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên hiện nay: Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bên trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Nypost. |
Cục diện hòa hoãn
Sau nhiều đối đầu căng thẳng vào năm 2017 và những năm trước đó thì cục diện hòa hoãn đã xuất hiện rất đáng quý trên Bán đảo Triều Tiên.
Thế hòa hoãn trên Bán đảo Triều Tiên vào năm 2018 cho ta thấy nhiều điều: 1- Triều Tiên sẽ không dễ gì sớm từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Việc phi hạt nhân hóa một cách hòa bình, toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược (CVID) là dự án của cả một thế hệ. 2- Mỹ đã thu được các thông tin có giá trị về ý định của các bên đàm phán. Washington đã thấy rõ rằng Tổng thống Hàn Quốc rất hồ hởi với việc hòa giải. 3- Triều Tiên tỏ ra chân thành và kiên nhẫn trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Họ đã ngưng thử tên lửa và hạt nhân, dỡ bỏ một số địa điểm thử. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã duy trì quan hệ thân thiện với Nhà Trắng và tránh những hành động chọc giận Mỹ.
Sự sống còn của cục diện hòa hoãn này đòi hỏi một chương trình xây dựng lòng tin với sự đóng góp của cả Hàn Quốc và Mỹ. Một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên là một bước đi dù chưa đáp ứng được yêu cầu CVID nhưng có thể tạo ra thiện chí cần thiết để duy trì quá trình ngoại giao.
Cần hiểu thế khó của Triều Tiên
Mỹ muốn có những bước xa hơn nữa để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng ít khả năng họ có thể đạt được một sự tiến bộ chân thành và không đảo ngược được đối với mục tiêu này nếu thiếu một tuyên bố hòa bình cho bán đảo này.
Tình trạng chiến tranh (về lý thuyết) cản trở tất cả các bên, đặc biệt là Triều Tiên. Quốc gia Đông Bắc Á này giống như một chú tôm nhỏ thó bị vây quanh bởi các nước láng giềng cực mạnh. Đã vậy, Triều Tiên vẫn chính thức trong tình trạng chiến tranh với siêu cường Mỹ và kể cả Hàn Quốc (ít nhất là đến hôm 18/9).
Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng trong cuộc chơi địa chính trị này, họ chỉ cần đi sai một nước là có thể gây sụp đổ chế độ của họ. Thế nên họ rất cảnh giác và thận trọng.
Một hòa ước có thể không làm cho Triều Tiên bỏ hết nghi kỵ, nhưng sẽ giúp họ có thêm sự bình tĩnh để tính đến những điều mà trước đó họ không muốn xem xét ngay từ đầu.
Vì sao Mỹ cần tích cực chủ động?
Những người Mỹ phản đối tuyên bố hòa bình và hiệp ước hòa bình vì một số lý do, trong đó có (1) ý kiến cho rằng làm như thế là Mỹ nhượng bộ Triều Tiên quá nhiều trong khi Triều Tiên nhiều lần làm cho họ mất niềm tin, và (2) mối quan ngại về việc vị thế của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Triều Tiên có thể bị ảnh hưởng.
Về chuyện “thiệt-hơn”, Mỹ vẫn nên theo đuổi đàm phán hòa bình vì điều này mang lại lợi ích cho chính Mỹ. Khi làm vậy, Mỹ cũng sẽ tránh mang tiếng mà Triều Tiên hay tuyên truyền bấy lâu này là Mỹ đang bao vây Triều Tiên. Áp lực đang gia tăng lên Mỹ khi mà Hàn Quốc bấy lâu nay tích cực đối thoại với Triều Tiên và đang ở rất gần mục tiêu đạt được thỏa thuận song phương với Triều Tiên về chính thức chấm dứt chiến tranh.
Hơn nữa, Mỹ có khả năng làm tốt điều này. Mỹ có tiềm năng đặc biệt trong việc xúc tiến cho hòa ước vì họ có không gian linh hoạt chiến lược lớn hơn Triều Tiên, trong khi Triều Tiên gặp khó khăn hơn nhiều, với ít sự lựa chọn. Triều Tiên đất không rộng, người không đông, lại rất khép kín về ngoại giao và kinh tế. Đối với Triều Tiên, sức ép về sinh tồn là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Mỹ từng lật đổ chế độ ở Iraq, Afghanistan và hỗ trợ quá trình lật đổ chế độ ở Libya.
Về vấn đề duy trì quân Mỹ ở Hàn Quốc (hiện tại nơi đây có khoảng 30.000 quân nhân Mỹ, với nhiệm vụ răn đe trước khả năng Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc), một số quan chức an ninh Mỹ và phe bảo thủ ở Hàn Quốc lo ngại rằng một hòa ước có thể phá hoại lý do chiến lược để duy trì lực lượng quân sự Mỹ trên đất Hàn Quốc.
Nhưng về ngắn hạn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói rằng ông đảm bảo sẽ không coi việc rút quân Mỹ là điều kiện tiên quyết để có được một tuyên bố hòa bình. Hơn nữa, nếu Triều Tiên vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân thì về lý thuyết, Mỹ vẫn có thể lấy đó làm cớ để duy trì hiện diện quân sự trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Việc Mỹ duy trì quân ở Hàn Quốc có thể nhằm đạt các mục tiêu ngầm mà họ không nói ra. Nhưng để đạt được “chuẩn” CVID thì về lâu về dài, Mỹ phải đáp ứng yêu cầu từ phía Triều Tiên về việc rút quân khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.
Ở đây Mỹ phải đánh đổi giữa việc đạt được CVID và việc duy trì ảnh hưởng nước lớn của mình trong khu vực.
Tóm lại, Mỹ nên tham gia tiến trình tuyên bố hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và khởi xướng việc đàm phán về một hòa ước cho bán đảo này, chừng nào Mỹ muốn đạt được CVID theo cách thức hòa bình.
Mỹ không thể ảo tưởng về việc phi hạt nhân hóa nhanh chóng Triều Tiên. Nhưng nếu không hành động tích cực thì Mỹ cũng không thể thu được điều gì đáng kể, vì phi hạt nhân hóa là một quá trình lớn lao. Thậm chí Mỹ phải chủ động chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn, vì Triều Tiên ở thế khó hơn với không gian hành động bị bó hẹp hơn./.