Ngay khi có thông tin bão số 13, các hồ thủy điện trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã yêu cầu tiếp tục xả lũ nhằm đảm bảo công trình để đón đợt lũ mới do bão gây ra.

Các hồ thủy điện: Bình Điền, Hương Điền và hồ thủy lợi Tả Trạch ở tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt xả nước từ chiều 10/11.

mien trung khac phuc hau qua bao so 12 ung pho bao so 13
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở, ngành và ban quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều tiết mực nước hồ chứa; lưu ý việc điều hành và điều tiết phải hợp lý, chủ động, bám sát dự báo lượng mưa để tính toán kỹ mực nước nhằm đảm bảo an toàn hồ đập.

Các địa phương tiếp tục rà soát vùng ngập lụt, vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở để thực hiện công tác di dân; tiếp tục cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời cứu đói những hộ dân vùng thấp trũng, ngập nước, còn bị cô lập và kiểm tra lượng hàng dự trữ để bảo quản và cấp phát cho người dân kịp thời.

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Tỉnh đã chủ động phương án điều tiết để đảm bảo vừa có dung tích để đón các đợt mưa tiếp theo, cũng như quá trình điều tiết tránh đột biến và gây ngập lớn ở hạ lưu. Chính yếu tố đó mà về phía tỉnh đã có lệnh sớm tránh tình thế vào đột biến mà xả đột ngột sẽ gây ngập ở hạ lưu”.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 2300 tàu thuyền với 7.500 người hoạt động trên biển hiện đã được thông tin về bão số 13 để chủ động vào bờ, tìm nơi trú tránh an toàn.

Ông Lê Đa Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đã chủ động phương án sở tán dân vùng ngập lụt, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở núi.

“Cấm tàu thuyền ra khơi từ hôm 3/11 đến giờ. Đợt này điều quan tâm lớn nhất là an toàn hồ, vì hồ ở trên địa bàn đều tích đầy nước rồi. Chủ động các phương án đối với người dân vùng thường ngập lụt, ngập sâu”, ông Sơn cho hay.

Sáng nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có công điện về Ứng phó với cơn bão số 13 gửi các sở, ban, ngành và các địa phương.

Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và thường xuyên thông tin tình hình để các tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Chi cục Thủy sản hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu hạn chế va đập, cháy nổ.

Các địa phương ở vùng trũng thấp, ven sông, ven biển sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống bão, lũ, sạt lở đất, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, Hòa Vang là vùng trũng thấp nên mỗi lần bão về thường kéo theo ngập lụt, vì thế địa phương đã lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ở một số vùng xung yếu, vùng ven sông, ven suối, vùng nguy cơ sạt lở, đồng thời khuyến cáo bà con chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ chia cắt dài ngày.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, cùng với việc khẩn trương kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, các địa phương miền Trung cũng đã chủ động quy hoạch sắp xếp lồng bè trên biển, kiểm soát chặt chẽ không để người dân ở lại trên lồng bè nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản ./.