Malaysia- Triều Tiên: Khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ
Ngày 7/3 Triều Tiên đã ra lệnh cấm những người Malaysia đang ở Triều Tiên rời khỏi đất nước này, khi cảnh sát Malaysia điều tra vụ giết người đàn ông (được coi là Kim Jong Nam) ở Kuala Lumpur tìm cách thẩm vấn ba người đàn ông trốn trong đại sứ quán Triều Tiên.
Xe cảnh sát Malaysia chặn đường vào Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur (Ảnh: Reuters). |
Theo Reuters, cảnh sát Malaysia nhận định, 8 người Triều Tiên có liên quan đến vụ giết người. Trong đó có một nhà ngoại giao cấp cao, một nhân viên hàng không quốc gia, đây là hai trong số ba người được cho là đang trốn trong đại sứ quán. Cho đến nay mới chỉ có 2 người bị đưa ra tòa luận tội là một phụ nữ Việt Nam và một phụ nữ Indonesia.
Quan hệ hai nước leo thang căng thẳng khi ngày 7/3, Bộ ngoại giao Triều Tiên đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người Malaysia đang ở nước này để đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao và công dân Malaysia.
"Tất cả công dân Malaysia ở Triều Tiên sẽ tạm thời bị cấm rời khỏi đất nước cho đến khi vụ việc xảy ra ở Malaysia được giải quyết đúng đắn", Cơ quan Thông tin Trung ương Triều Tiên (KCNA) trích dẫn một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
"Trong giai đoạn này, các nhà ngoại giao và công dân Malaysia có thể làm việc và sinh sống bình thường theo những điều kiện và hoàn cảnh như trước”.
Lên án hành động “Bắt cóc con tin”
Phản ứng nhanh chóng trước động thái này, Malaysia lên án hành động của Bình Nhưỡng là “bắt cóc con tin” và đáp trả bằng lệnh cấm tất cả mọi người dân Triều Tiên rời khỏi nước này.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu trong một tuyên bố: "Hành động giữ con tin này là hoàn toàn vi phạm các luật quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao". Ông cũng nói thêm rằng ông đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an.
Thủ tướng Malaysia Najib đã chỉ thị cho cảnh sát "ngăn chặn mọi công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia cho đến khi chúng tôi được đảm bảo về sự an toàn và an ninh của tất cả người Malaysia ở Triều Tiên".
Trước vụ công dân Triều Tiên bị sát hại, Triều Tiên có thể coi Malaysia là một trong số ít “bạn bè” của nước này, ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó Malaysia đã ngừng cấp thị thực miễn phí và hôm 6/3 đã trục xuất Đại sứ Triều Tiên vì ông này đã đặt câu hỏi nghi vấn tính công bằng của cuộc điều tra vụ sát hại người được coi là Kim Jong Nam.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol tại lối đi ra ở sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 7/3 (Ảnh: Reuters). |
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Malaysia, hiện có 11 người Malaysia ở Triều Tiên, trong đó có 3 nhân viên đại sứ quán, 6 thân nhân gia đình và hai người làm việc cho Chương trình lương thực của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, hiện có hàng trăm người Triều Tiên đang ở Malaysia, phần lớn là sinh viên và công nhân.
"Chúng tôi đang cố gắng xác định danh tính tất cả các nhân viên sứ quán ở đây", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nur Jazlan Mohamed trao đổi với các phóng viên bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên.
Ông cũng nói rằng, các nhân viên sẽ không được phép rời khỏi đại sứ quán "cho đến khi chúng tôi được cung cấp đầy đủ các dữ liệu và địa chỉ của họ".
Đến chiều 7/3, cảnh sát Malaysia đã tháo dây băng chặn đường và xe cảnh sát ngừng phong tỏa đường lái xe vào đại sứ quán Triều Tiên trong một dấu hiệu nới lỏng tình trạng căng thẳng.
Không có tấn công vây bắt
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm 7/3, Cảnh sát trưởng Malaysia cho hay, 3 trong số những người Triều Tiên có liên quan đến vụ giết người, đã trốn trong đại sứ quán ở thủ đô Malaysia.
Reuters dẫn lời Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar cho biết: "Họ cần ẩn náu trong đại sứ quán bao lâu nữa... Đó là vấn đề thời gian, cho đến khi họ phải lộ diện”.
"Chúng tôi sẽ không tấn công toà nhà đại sứ quán, chúng tôi sẽ đợi họ ra ngoài và chúng tôi có tất cả thời gian", Cảnh sát trưởng Khalid nói.
Phóng viên báo chí xúm đông quanh chiếc xe của ĐSQ Triều Tiên tại Kuala Lumpur chuẩn bị rời đi (Ảnh: Reuters). |
Ngoài những nghi phạm được cho là đang trốn trong đại sứ quán, cảnh sát Malaysia cho biết, 4 người Triều Tiên khác đã rời khỏi Malaysia vài giờ sau khi xảy ra vụ giết người.
Một người đàn ông Triều Tiên duy nhất bị bắt giữ đã được thả ra do không đủ bằng chứng và bị trục xuất vào thứ Sáu tuần trước.
Cuộc họp an ninh khẩn cấp
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, sau khi chính quyền Triều Tiên ban lệnh cấm người Malaysia rời khỏi nước này.
Báo Malaysia The Star cho biết, Thủ tướng Malaysia Najib đã tới Căn cứ không quân Hoàng gia Malaysia tại Subang lúc 17h40 ngày 7/3 sau chuyến công du đến Jakarta (Indonesia) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ Dương (IORA).
Ngay sau khi đến, Thủ tướng Najib đích thân chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tại phòng họp của Căn cứ không quân.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Datuk Seri Dr Salleh Said Keruak, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Tan Sri Dr Ali Hamsa và Tổng Thanh tra Cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar.
Bên cạnh đó còn có Cục trưởng Cục xuất nhập cảnh Datuk Seri Mustafar Ali, Tổng giám đốc NSC Tan Sri Zulkifeli Mohd Zin, Tổng Chưởng lý Tan Sri Mohamad Apandi Ali và Tổng tư lệnh quân đội Tan Sri Raja Mohamed Affandi Raja Mohamed Noor.
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia (Ảnh: Reuters). |
Thủ tướng Najib trong một tuyên bố đã kêu gọi Triều Tiên thả tất cả công dân Malaysia ngay lập tức để tránh leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Najib tuyên bố: "Hành động giữ con tin là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao”.
"Là một quốc gia yêu hòa bình, Malaysia cam kết duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Tuy nhiên, bảo vệ công dân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu công dân bị đe dọa ", ông nói thêm trong một tuyên bố đưa ra chiều tối 7/3./.
Công ước quốc tế Vienna về quan hệ ngoại giao (năm 1961) quy định: Điều 22 1. Trụ sở của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. Chính quyền Nước tiếp nhận không được vào nơi đó nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện. 2. Nước tiếp nhận có nghĩa vụ đặc biệt thi hành mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn việc xâm nhập hoặc làm hư hại trụ sở của cơ quan đại diện, việc phá rối sự yên tĩnh hoặc làm tổn hại đến phẩm cách của cơ quan đại diện. 3. Trụ sở của cơ quan đại diện, đồ đạc và tài sản khác ở trong đó cũng như các phương tiện đi lại của cơ quan đại diện không thể bị lục soát, trưng dụng, tịch thu hoặc đem xử lý. Điều 29 Thân thể của viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất cứ hình thức nào. Nước tiếp nhận cần có sự đối xử trọng thị xứng đáng với họ và áp dụng mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, tự do hay phẩm cách của họ. |