“Ma trận” thuế phí, xe hơi vẫn là giấc mộng dài của người Việt
Cụ thể tại Báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương đề xuất tăng các loại thuế ưu đãi đối với xe bán tải tương tự với các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.
Xe bán tải tại Thái Lan thường thấy xuất hiện ở đồng ruộng chuyên chở nông sản |
Toàn tăng thuế phí, xe rẻ năm 2018 chỉ là lý thuyết!
Cụ thể, các dòng xe tải nhập khẩu về Việt Nam đều chỉ chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 5%, phí trước bạ 2%. Trong khi đó, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phân chia theo dung tích xe, trong đó xe dưới 2.5L chịu thuế 15%, từ 2.5L - 3.0L chịu thuế 20% và từ 3.0L trở lên chịu mức thuế 25%.
Tuy nhiên, với đề xuất tăng các loại thuế, phí xe bán tải bằng với xe 9 chỗ ngồi trở xuống của Bộ Công Thương, các loại thuế đều tăng mạnh: Thuế nhập khẩu tăng lên 30%, phí trước bạ tăng lên 10%.
Đặc biệt, thuế TTĐB sẽ tăng rất mạnh theo dung tích xe, xe dung tích từ 1.5L - 2.0L sẽ tăng từ 15% lên 45%, xe dung tích từ 2.0L - 2.5L tăng từ 20% lên 45%, xe dung tích từ 2.5 - 3.0L tăng từ 25% lên 55%, xe có dung tích trên 3.0L tăng trên 90%.
Với việc tăng thuế các loại thuế, phí trong đó nhiều nhất là thuế TTĐB, xe bán tải - loại xe được nhập hơn 99% từ Thái Lan sẽ tăng giá gấp từ 1,5 lần đến 2 lần so với mức giá hiện nay, từ khoảng 400 triệu đồng lên gần 600 triệu đồng/chiếc.
Ngoài kiến nghị siết thuế dòng xe bán tải đã nhập ồ ạt về Việt Nam thời gian qua, Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt kiến nghị được cho là mở cửa cho các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước như: Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) cho các DN sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Các dự án sản xuất ô tô có quy mô lớn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Hàng loạt rào cản với người mua ô tô
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bên cạnh giảm thuế phí cho DN lại kiến nghị siết thuế, phí đối với người tiêu dùng và thị trường, trong đó đề nghị tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2.5L trở lên.
Kiến nghị này được cho là hướng đến tăng thuế TTĐB đối dòng xe 2.5L bởi hiện các thuế phí khác với dòng xe này đã ở mức không thể điều chỉnh, chỉ còn thuế TTĐB. Mức thuế TTĐB đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống dung tích xi-lanh 2.5L là 55%. Điều dễ hiểu là dòng xe có dung tích 2.0L-2.5L hiện đang được tiêu thụ lớn trên thị trường, nếu tăng thuế TTĐB, dòng xe này sẽ tiếp tục tăng giá.
Đồng thời, Bộ này yêu cầu Bộ Tài chính gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi-lanh dưới 1.5L đến ngày 31 tháng 12 năm 2022. Tức là tiếp tục giữ thuế 40% trong 4 năm nữa đối với xe dung tích 1.5L trong khi theo Luật Thuế TTĐB mới sửa đổi bổ sung thì từ năm 2018, xe ô tô có dung tích 1.5L sẽ được giảm thuế TTĐB xuống còn 35%.
Ngoài Báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô, Bộ Công Thương cũng mới đưa ra Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô lấy ý kiến dư luận trước khi trình Chính phủ thông qua.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, đề xuất tăng quy định DN nhập khẩu mỗi lô hàng về phải đăng kiểm làm nảy sinh rào cản, tăng chi phí doanh nghiệp và hoạt động kiểm tra không thực sự cần thiết. Cụ thể, theo quy định tại Dự thảo trên, mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang một chiếc xe trong chủng loại đó đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Nhập 10 chiếc xe hoặc 200 chiếc hoặc nhiều hơn nữa vẫn được coi là một lô hàng nhập khẩu. Thậm chí nhập nhiều lần cùng một loại xe, doanh nghiệp vẫn phải làm các bước đăng kiểm giống nhau.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, chi phí cho một thử nghiệm như thế từ 40-100 triệu đồng, tùy yêu cầu của cơ quan đăng kiểm và loại xe và thông thường, để ra được một chứng nhận về kết quả thử nghiệm phải mất 2 tháng. Sau 2 tháng, doanh nghiệp mới được phép bán xe đó tới người tiêu dùng.