Lương thấp dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt tràn lan
Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
Đề cập về quản lý chi thường xuyên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khẳng định, trong 3 năm qua, việc chi thường xuyên đã giảm từ gần 70% xuống còn 63%. Phần lớn việc chi thường xuyên là trả tiền lương và cho con người.
Tuy nhiên, mức lương chi trả cho cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước hiện nay còn rất thấp (bình quân khoảng từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng). Với mức lương thấp như thế này dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt tràn lan. Đây có thể gọi là sư tha hóa trong bộ phận cán bộ, công chức do chế độ tiền lương thấp.
Trước những bất cập trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, cần phải có sự thay đổi việc trả lương theo thang bảng lương như hiện nay sang trả lương theo vị trí việc làm có đánh giá về hiệu suất công việc bằng các chỉ số. Mỗi cán bộ, công chức phải được xác định rõ vị trí, chức trách, nhiệm vụ phải hoàn thành. Đồng thời với việc thay đổi chi trả lương thì chúng ta cần có thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
“Tiền lương sẽ được chi trả theo vị trí việc làm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công việc đã được đánh giá. Chỉ có như vậy, cán bộ, công chức mới lo tìm cách làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, công việc của mình.
Như vậy, việc cắt giảm các thủ tục hành chính mới trở thành hành động thực tế của bộ máy Nhà nước, không phải chỉ dừng lại ở sự thúc ép của Thủ tướng Chính phủ hay là sự đòi hỏi của người dân. Đây là nhiệm vụ nên thực hiện ngay để chúng ta thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương sẽ được áp dụng chính thức từ năm 2021”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói./.