Lối thoát cho Brexit sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo EU
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (20/2) đã có cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm tìm cách tháo gỡ những bế tắc hiện tại trong tiến trình Brexit. Dù không có thông tin đột phá nào được đưa ra sau cuộc gặp song hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh, buổi làm việc “mang tính xây dựng” và dự định sẽ gặp lại nhau trước cuối tháng để đánh giá tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit).
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AP. |
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo không đề cập đến bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận “ly hôn” đã được đàm phán giữa chính phủ Anh và Liên minh châu Âu mà chỉ nói về khả năng có thể đưa ra “các dàn xếp thay thế” hoặc thay đổi tuyên bố chính trị đi kèm. Hai bên tái khẳng định điều khoản “rào chắn” trong thỏa thuận Brexit là tạm thời và rằng các cuộc thảo luận vừa xong tập trung chủ yếu vào điều khoản này nhằm đưa ra được các đảm bảo pháp lý phù hợp.
Phát biểu với báo giới sau đó, Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Tôi đã có cuộc gặp mang tính xây dựng với ngài Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Chúng tôi đã nhấn mạnh yêu cầu được thấy những thay đổi có tính ràng buộc về mặt pháp lý với điều khoản rào chắn để đảm bảo điều khoản này không mập mờ. Đây là điều bắt buộc để thỏa thuận được thông qua tại Hạ viện Anh. Chúng tôi nhất trí sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp. Thời gian giờ là vàng ngọc. Việc Anh rời Liên minh châu Âu có trật tự sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang nỗ lực. Bộ trưởng Brexit của Anh và các cơ quan có liên quan sẽ có mặt tại Bỉ vào ngày mai để đàm phán thêm”.
Theo đánh giá của giới phân tích, với tuyên bố trên, cuộc gặp đã được xem là “đột phá” trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa là tới thời điểm nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Trước cuộc gặp, Liên minh châu Âu và bản thân ông Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã không ít lần bày tỏ bi quan về cuộc gặp lần 2 này giữa ông và nhà lãnh đạo Anh. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas hôm qua (20/2) thậm chí đã nói rằng, Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào.
“Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã lên kế hoạch để đối phó với tất cả các kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất. Công việc dự phòng là nghĩa vụ của Ủy ban châu Âu, là nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên. Đối với 27 quốc gia thành viên còn lại, đó là nghĩa vụ của chúng tôi đối với công dân và các doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi cần chuẩn bị tất cả các kịch bản, kể cả kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dành sự yêu thích cho kế hoạch A”, ông Margaritis Schinas nói.
Theo kế hoạch vào ngày 29/3 tới, nước Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu song những quan ngại về việc Anh ra đi không có thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit cứng, vẫn đang hiện hữu do chưa có được giải pháp thực sự cho điều khoản “rào chắn”. Điều khoản này cho phép Anh ở lại trong liên minh hải quan với Liên minh châu Âu và tỉnh Bắc Ireland của Anh cũng ở lại trong thị trường đơn nhất châu Âu hậu Brexit.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit ở Anh lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc nước Anh vĩnh viễn vào lục địa già. Vì thế, việc bà May và Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tái khẳng định tính tạm thời của điều khoản “rào chắn”, được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt phần nào quan ngại từ những “cái đầu nóng” ở Anh hiện nay./.