Liên Hiệp Quốc lo ngại về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam
Đánh giá cao những động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc điều tra những vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, tuy nhiên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng bày tỏ sự lo ngại rằng các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng lan rộng và phần lớn các vụ xâm hại vẫn chưa được tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng.
Theo thông báo mới nhất của LHQ về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam, cứ 4 trẻ em thì có 1 em là nạn nhân của xâm hại và có ít nhất 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo mỗi năm. Các vụ được tố cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chúng ta không biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam vì phần lớn các nạn nhân vẫn giữ yên lặng suốt đời.
Học sinh ở Lâm Đồng trong chương trình học về phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục (Ảnh: Hoài Nam) |
Xâm hại và bóc lột trẻ em có tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ em và xã hội. Điều này có thể gây tổn hại cho sự phát triển về mặt xã hội, tình cảm và nhận thức của trẻ em, có thể dẫn đến tự tử.
Trẻ bị xâm hại, bị sao nhãng, bị bóc lột hoặc bị bạo lực có nguy cơ cao hơn trong việc bị trầm cảm và mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, nghĩ tới hoặc cố gắng tự tử, có các triệu chứng về thể chất (mà y học có thể hoặc không thể lý giải được) và thực hiện các hành vi nguy cơ cao nhiều hơn các trẻ không bị lạm dụng
"Cần phải chấm dứt việc không xử lý các thủ phạm gây bạo lực, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em và những vụ như vậy cần phải được điều tra và khởi tố", ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam phát biểu.
Theo tổ chức này, điều tối quan trọng là phải củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại và bóc lột. Việt Nam phải tiếp tục đầu tư hơn nữa, cả nhân lực và tài chính, để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại tình dục, bạo lực, và bóc lột.
Điều này bao gồm Việt Nam cần có một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp ở các cấp, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ pháp lý thân thiện với trẻ em và có được các phác đồ điều trị hiệu quả và các hỗ trợ chuyên biệt cho các nạn nhân trẻ em. Đồng thời, cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, cần phải ngăn chặn trước khi lạm dụng xảy ra chứ không chỉ tập trung vào xử lý các trường hợp trẻ bị xâm hại sau khi điều đó đã xảy ra.
Thông cáo này cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng đảm bảo lợi ích cho trẻ một cách tốt nhất bao gồm bảo vệ phẩm giá, sự riêng tư và an toàn của trẻ cần được chú trọng trong suốt quá trình điều tra và tố tụng. Tên và các thông tin có thể giúp nhận diện các nạn nhân trẻ em bị bạo lực tình dục, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được công bố, cho dù đã được sự đồng ý của bố mẹ các em.
Ông Kamal Malhotra cho biết, LHQ sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam tăng cường mạnh mẽ hơn hệ thống pháp luật trong việc phòng ngừa và xử lý các trường hợp xâm hại và bạo lực tình dục trẻ em; giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp và để xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như tư vấn tâm lý, quy trình điều tra và khởi tố thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới.
Ngoài ra, cũng sẵn sàng giúp xây dựng các phương thức để trẻ em có thể nói ra và tố cáo các vụ việc xâm hại một cách tự tin và an toàn cũng như giúp các em biết cách tự bảo vệ bản thân.
LHQ khuyến khích tất cả mọi người, là nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực trẻ em gọi đến đường dây nóng trợ giúp trẻ em 1800 1567 để nhận được tư vấn và hỗ trợ cần thiết.
Ở TPHCM, liên quan đến việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, người dân có thể gọi ngay vào đường dây nóng Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM: 18009069 hoặc Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM: 1900545559. Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an để điều tra và chuyển đến Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TPHCM để tiến hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho gia đình người bị hại. |