Kỳ 1: Định Hóa, 2 lần rà soát 3 loại rừng vẫn tồn tại bất cập
Gia đình anh Lương Thanh Tùng, xóm Đồng Kè cũng giống như nhiều hộ dân khác của xã Phúc Chu chủ yếu trông vào kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích trồng keo này của anh lại đang là đất nông nghiệp. Vì là đất nông nghiệp nên việc trồng rừng sản xuất của anh sẽ không được hỗ trợ, lại thêm phát sinh chi phí trong việc trồng, khoanh nuôi, khai thác nên mỗi lứa thu hoạch lâm sản của những hộ như gia đình anh Tùng chả đáng là bao… Theo kết quả rà soát lại, toàn xã Phúc Chu hiện nay có đến gần 160 ha đất phi lâm nghiệp muốn chuyển thành rừng sản xuất.
Toàn bộ diện tích đất trồng keo của gia đình anh Tùng đang là đất nông nghiệp, do đó không được hỗ trợ nguồn vốn sản xuất |
Anh Tùng cho biết "Vì đất này là đất đồi, hiệu quả kinh tế để trồng các cây khác như khoai, sắn, đậu tương…hiệu quả kinh tế rất thấp, nên chỉ để trồng rừng. Đây là đất ngoài lâm nghiệp, nên bà con trồng rừng không được hỗ trợ nguồn vốn để trồng rừng của Nhà nước, mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn các diện tích mà được Nhà nước hỗ trợ”.
Còn tại xóm Bảo Hoa, xã Bảo Linh, hàng chục ha đất rừng đang bị bỏ phí… Bởi những hộ như gia đình ông Nguyễn Hữu Khuê không mấy thiết tha khi hạch toán kinh tế rừng. Diện tích đất này trước đây của lâm trường Định Hóa để lại cho các hộ nhận canh tác. Tuy nhiên do không hiệu quả nên đang dân bị lãng quên… Ở Bảo Linh cũng có hàng trăm ha rừng phòng hộ ít xung yếu và đất phi nông nghiệp muốn được chuyển thành đất rừng sản xuất để người dân, chính quyền địa phương phát triển kinh tế đồi rừng…
Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng tại địa phương, ông Khuê nói "Vì Nhà nước đã đưa vào khu rừng đặc dụng nên bà con tự bỏ vốn làm ăn, trồng rừng và Nhà nước không có hỗ trợ nguồn vốn, điều này rất khó khăn cho bà con”.
Trao đổi về thực tế này đã tồn tại từ nhiều năm nay tại địa phương, ông Ma Khánh Tập, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh, huyện Định Hóa cho biết "Đời sống của bà con nhân dân xã Bảo Linh cơ bản dựa vào rừng. Đối với tổng diện tích của xã khoảng 90% là đất rừng, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm khoảng 80% còn lại là rừng phòng hộ và diện tích rừng sản xuất rất ít. Tuy nhiên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc được sử dụng sản phẩm của rừng. Từ năm 2017 chúng tôi đã có cuộc làm việc cũng như thống nhất các số liệu gửi lên các cơ quan chức năng và đã đề nghị để được quy hoạch lại để tăng diện tích rừng sản xuất lên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả”.
90% diện tích đất của xã Bảo Linh, huyện Định Hóa là đất rừng, tuy nhiên diện tích rừng sản xuất chiếm tỷ lệ rất ít |
Mặc dù đã trải qua 2 lần rà soát, điều chỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2007 và 2014, tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch 3loại rừng của huyện Định Hóa gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất vẫn còn những bất cập và đang được đề nghị điều chỉnh. Cụ thể huyện Định Hóa đang đề nghị điều chính lên đến 9.400 ha. Trong đó đáng chú ý là hơn cả là 1.200 ha rừng đặc dụng thành rừng sản xuất và hơn 4.600 ha đất ngoài lâm nghiệp vào rừng sản xuất. Điều này càng bức thiết hơn khi Định Hóa chọn hướng phát triển kinh tế mũi nhọn là phát triển đồi rừng…
Ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết "Việc quy hoạch 3 loại rừng thực hiện theo Chỉ thị 38 và theo các tiêu chí, trước đây là tiêu chí 61 và 62 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có thể trước đây là rừng sản xuất, nhưng sau rà soát, các diện tích đất rừng đặc dụng ATK là thuộc các điểm di tích lịch sử, các đơn vị tư vấn đã đưa vào và một số diện tích là đầu nguồn của các dòng sông hoặc ao hồ để phục vụ cho sản xuất để đưa vào. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số điểm chưa phù hợp, đến nay đã được rà soát lại và đưa ra theo tiêu chí mới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt".
Trước những bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng, huyện Định Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ những diện tích rừng quy hoạch chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chính loại quy hoạch đang còn phụ thuộc vào các hệ thống văn bản pháp luật cũ và cả mới được ban hành. Là một huyện miền núi có lợi thế về lâm nghiệp, phần lớn người dân sống dựa vào kinh tế đồi rừng nên những bất hợp lý trong quy hoạch 3 loại rừng ở Định Hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, cũng như đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, việc sớm điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp, sát với điều kiện thực tế là mong mỏi lớn của chính quyền và người dân Định Hóa lúc này.
Trong kỳ 2 của phóng sự, chúng tôi sẽ đề cập đến những bất cập trong quy hoạch những loại rừng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo ở huyện Đại Từ và rừng phòng hộ, cảnh quan Hồ Núi Cốc với những ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng của tỉnh Thái Nguyên./.