Không nói ngọng, dùng tiếng địa phương: Làm khó công chức Hà Nội?
TP Hà Nội đang xây dựng quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Quy định nêu rõ cán bộ, công chức khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) - đơn vị xây dựng dự thảo quy định cho biết, về vấn đề chuyên môn năng lực cán bộ, công chức của thành phố rất tốt. Tuy nhiên, cán bộ, công chức thành phố vẫn còn bộc lộ những bất cập trong kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin từ đó dẫn đến những vụ việc không đáng có xảy ra thời gian vừa qua.
Hà Nội khuyến cáo cán bộ, công chức không nói ngọng, dùng tiếng địa phương trong giao tiếp |
“Có những người chuyên môn rất tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin còn chưa hoàn thiện. Điều đó dẫn đến những bất cập khi xử lý các tình huống người dân bức xúc. Đã là công chức, thì không thể văng tục, nói một cách vô trách nhiệm trước công chúng được”, ông Ngô Văn Nam chia sẻ.
Do vậy, ông Ngô Văn Nam cho biết, quy định trên ra đời mang tính chất khuyến cáo cán bộ, công chức thành phố hạn chế nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Từ đó giúp người khác không hiểu lầm hoặc khó hiểu khi trao đổi công việc với công chức.
Theo ông Ngô Văn Nam quy định hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương được hiểu là ngôn ngữ công vụ. “Đây chỉ là quy định mang tính khuyến cáo, nên trong tuyển dụng cán bộ, công chức không áp dụng để hạn chế cơ hội của các thí sinh”, ông Ngô Văn Nam nói.
Ông Nam cho rằng, trong xử lý tình huống, cán bộ công chức phải hết sức kiềm chế, phát ngôn phải điềm đạm kể cả khi người dân đến cơ quan bức xúc với mình trong trao đổi công việc. Cũng theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nếu quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn này được ban hành thì thành phố sẽ tổ chức tập huấn theo diện báo cáo viên để về truyền đạt lại cho cán bộ đơn vị mình.
“Quy định này là văn bản pháp lý để thủ trưởng các cơ quan có “cái gậy” để chấn chỉnh nhắc nhở cán bộ, công chức vi phạm”, ông Ngô Văn Nam Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong ngôn ngữ giao tiếp là truyền tải thông tin. Do vây, nếu sử dụng ngôn từ khác biệt, khó nghe sẽ là một trong những yếu tố làm hạn chế năng lực của mỗi người.
“Phải phân biệt rõ ngôn ngữ địa phương và giọng vùng miền để xác định cái gì cần bảo tồn, phát huy trong giao tiếp. Chúng ta cần phải có chuẩn chung như vậy để cán bộ, công chức không tùy tiện trong phát ngôn. Còn nói ngọng là điều chúng ta phải giải quyết từ trong trường học”, ông Dương Trung Quốc cho hay.
Đề cập đến vấn đề trên, nhà nghiên cứu văn hóa – Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, đã là cán bộ, công chức của Thủ đô thì nên sử dụng ngôn từ phổ thông để mọi người có thể hiểu trong giao tiếp. Nếu sử dụng ngôn từ địa phương trong hoạt động công vụ thì không phải ai cũng hiểu.
“Hà Nội là của cả nước, chúng ta chấp nhận âm thanh ngôn ngữ đa dạng nhưng không thể dùng những ngôn từ địa phương này có nhưng địa phương khác không có vì nhiều người không hiểu được”, Giáo sư Trần Lâm Biền nói.