Kết quả từ những quyết sách sát, đúng và kịp thời
Kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh với nhiều dự án trọng điểm |
Từ năm 2021 đến nay, kinh tế tỉnh Thái Nguyên phục hồi và tăng trưởng tương đối cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt gần 7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân năm 2023 đạt 112,6 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân chung cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì là động lực tăng trưởng lớn nhất của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 tăng 7,5%/năm; quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu hằng năm duy trì trong khoảng từ 26 - 30 tỷ USD.
Từ năm 2023, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 18 địa phương trong cả nước thực hiện tự cân đối thu chi và điều tiết thu ngân sách về Trung ương. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 đạt 171,3 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công giải ngân từ năm 2021 đến năm 2023, đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hàng năm đều đạt trên 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19; kết cấu hạ tầng dịch vụ - thương mại được quy hoạch và đầu tư phát triển mạnh, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2023 tăng trưởng bình quân 18,7%; 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng gần 15% so với cùng kỳ.
Trung tâm TP Thái Nguyên |
Thái Nguyên đã tập trung phát triển 11 Khu công nghiệp, 01 Khu công nghệ thông tin tập trung và 41 cụm công nghiệp. |
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 4,17%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,75% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 93,65%; có 5 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Định Hóa được Hội đồng thẩm định Trung ương nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển 11 Khu công nghiệp, 01 Khu công nghệ thông tin tập trung và 41 cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh với các dự án trọng điểm như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 4,2 nghìn tỷ đồng; Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng… Các dự án hạ tầng xã hội quy mô lớn cũng được tập trung triển khai như: dự án Sân vận động của tỉnh với tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng; dự án Xây dựng trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh có tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng. Với kỳ vọng phục vụ tốt hoạt động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhiều công trình, dự án đầu tư công hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Thái Nguyên 02 năm liên tiếp (năm 2021 và 2022) đứng thứ 8 cả nước về Chuyển đổi số |
Với sự năng động của cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt là sự quyết liệt, sát sao của người đứng đầu, tỉnh Thái Nguyên đã 02 năm liên tiếp (năm 2021 và 2022) đứng thứ 08 cả nước về Chuyển đổi số. Các chỉ số về cải cách hành chính được cải thiện tích cực, năm 2023 Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2... Các lĩnh vực Y tế; giáo dục - đào tạo; văn hóa - thể thao - du lịch được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đạt kết quả tốt. Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Công tác đối ngoại được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực…
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, với sự tích cực, linh hoạt và năng động của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong thời gian hơn 1 năm còn lại của Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, hướng tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.