Kết nối giao thông mở ra tương lai xán lạn cho hai miền Triều Tiên
Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay (26/12) tổ chức lễ động thổ tượng trưng dự án liên Triều hiện đại hóa và tái kết nối đường bộ và đường sắt qua khu vực biên giới được vũ trang hạng nặng. Sự kết nối giao thông giữa hai miền Triều Tiên không chỉ tượng trưng cho mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện, mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế thịnh vượng cho khu vực, qua đó thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Tàu chở hàng vào Nhà ga Panmun ở thị trấn biên giới Kaesong, Triều Tiên. (Ảnh: AFP). |
Một đoàn tàu đặc biệt chở khoảng 100 người Hàn Quốc sáng 26/12 đã di chuyển tới Ga Panmun ở thị trấn vùng biên Kaesong của Triều Tiên, nơi diễn ra buổi lễ động thổ. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hàn Quốc Kim Hyun-mee, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon cùng các nhà lãnh đạo trong Quốc hội, một số quan chức và chuyên gia về đường bộ và đường sắt là những người đầu tiên được ngồi trên chuyến tàu lịch sử. Về phía Triều Tiên, ông Ri Son-gwon - Chủ tịch cơ quan nhà nước phụ trách các mối quan hệ liên Triều và Thứ trưởng Bộ Đường sắt Kim Yun-hyok dẫn đầu đoàn Triều Tiên tham gia sự kiện khởi công.
Dự án này là một phần trong thỏa thuận thượng đỉnh đạt được giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều hồi tháng 4 vừa qua, nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng và hợp tác thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon nhận định: “Thông qua hệ thống đường sắt được kết nối, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ phát triển thịnh vượng cùng nhau, củng cố nền tảng hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Các chuyến tàu cũng sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Đông Bắc Á và cả thế giới. Hàn Quốc sẽ tham vấn chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo chắc chắn rằng dự án kết nối đường sắt liên Triều có thể được thúc đẩy, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế".
Kết nối hệ thống đường sắt này chứng minh mối quan hệ liên Triều đang tiếp tục được cải thiện, đồng thời là động lực kinh tế lớn cho khu vực. Nếu Hàn Quốc có kết nối đường sắt với Triều Tiên, nước này sẽ tham gia vào mạng lưới đường sắt kết nối trực tiếp với Trung Quốc, Nga và Mông Cổ.
Hệ thống đường sắt theo kế hoạch sẽ đẩy nhanh các chuyến tàu chở hàng hóa trong khu vực Đông Bắc Á, với giá thành thấp hơn nhiều so với vận tải đường biển hoặc đường hàng không. Hàn Quốc cũng mong muốn dự án là cầu nối quan trọng, tăng cường du lịch và thương mại vì nó sẽ kết nối bán đảo với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nga. Đây cũng là một kế hoạch đầy tham vọng liên kết đường sắt liên Triều với đường sắt xuyên Siberia, nhằm hiện thực hóa tuyến đường vận chuyển từ Bán đảo Triều Tiên sang châu Âu.
Thực tế lễ khởi công được cho là chỉ mang tính tượng trưng chứ chưa phải là hoạt động khởi công thực sự. Dự án này sẽ phải đối mặt với những rào cản lớn đặc biệt trong bối cảnh có ít tiến triển trong các cuộc đàm phán Mỹ- Triều Tiên. Tuy vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn cho rằng, cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế thịnh vượng giữa hai miền sẽ là nền tảng chắc chắn cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, qua đó thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Có nhiều hi vọng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sử dụng hệ thống tàu cao tốc để thực hiện chuyến thăm sắp tới tới Hàn Quốc.
Không chỉ là các vấn đề kinh tế, Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian qua cũng thúc đẩy các dự án nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao. Điều này cho thấy, từ thể thao ngoại giao đến các hợp tác giao thông, kinh tế, Hàn Quốc đang dần dỡ bỏ tất cả các rào cản để kết nối chặt chẽ hợp tác hơn với Triều Tiên.
Theo Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Wilson tại Hàn Quốc ông Jean Lee, thay vì cố buộc Triều Tiên phải thực hiện ngay lập tức các cam kết về phi hạt nhân hóa như Mỹ, Hàn Quốc lại theo đuổi các kế hoạch hòa giải với Triều Tiên thông qua việc từng bước cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng này. Đây cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên./.