Huyện Củ Chi thu hồi gần 400ha đất có trái quy định?
Hàng trăm hộ dân ở huyện Củ Chi, TP HCM đang bức xúc trước việc UBND huyện Củ Chi có quyết định thu hồi gần 400ha đất của hơn 900 hộ dân cho Dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy, trong khi cụm công nghiệp này chưa có quyết định thành lập.
Hàng chục hộ dân Củ Chi bức xúc về việc thu hồi đất của UBND huyện Củ Chi, TP HCM. |
Người dân đã nhiều năm phản ánh nhưng cơ quan chức năng của TP HCM và huyện Củ Chi vẫn làm ngơ chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến Tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP HCM), năm 2008 UBND huyện Củ Chi đã tiến hành thu hồi đất của người dân 2 xã Hòa Phú, Bình Mỹ cho dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy. Trên thực tế, dự án này chưa được UBND TP HCM phê duyệt nhưng UBND huyện Củ Chi vẫn thu hồi đất theo một quy trình “ngược”. Mãi đến ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định số 1736 “về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các Khu Công nghiệp tại TP HCM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
Trong danh sách ban hành kèm quyết định này có Khu Công nghiệp Đông Nam Củ Chi với diện tích hơn 283 ha, nằm trên địa bàn xã Bình Mỹ và Hòa Phú, thực chất là dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy trước đây. Như vậy, việc bồi thường dự án Khu Công nghiệp Đông Nam Củ Chi được UBND huyện Củ Chi tiến hành từ trước khi có Quyết định số 1736 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng cho biết: “Quyết định của thành phố là Dự án Đông Nam đã có từ năm 2008. Nhưng quyết định thu hồi đất của dân xã Bình Mỹ và Hòa Phú là cụm công nghiệp cơ khí, mà cụm công nghiệp cơ khí này không có một công văn hay một quyết định nào được phê duyệt hết. Đây là một cái sai của UBND huyện Củ Chi”.
Theo người dân, đã có những trường hợp bị thu hồi đất sai qui định như ông Nguyễn Văn Đông (ngụ ấp 2, xã Hòa Phú) bị UBND huyện trao quyết định thu hồi đất số 12472 ký ngày 9/9/2008, tức là trước khi có quyết định của Thủ tướng tới tận 3 tháng. Việc này đã khiến người dân bị thiệt hại lớn thay vì được hưởng những quy định bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; giao đất, cho thuê đất theo Nghị định 69/2009 có hiệu lực từ 1/10/2009.
Trước thực tế như vậy, UBND huyện Củ Chi vẫn phớt lờ Nghị định 69 mà chỉ căn cứ vào Nghị định 197 của Chính phủ ngày 3/12/2004 và khung giá đất của TP HCM ban hành theo Quyết định 179 để xây dựng khung giá bồi thường cho người dân bị giải tỏa, thấp hơn nhiều lần Nghị định 69.
Ông Lê Hoàng Sang, ngụ tại số nhà 28, đường 231, ấp 2 xã Hòa Phú, huyện Củ Chi cho biết: “Như vậy, đúng ra thu hồi đất của dân thì phải có quyết định của UBND thành phố và hai năm sau người dân phản ứng thì thành phố mới ra quyết định 510 ngày 29/1/2010 thay thế cho 3 công văn kia, như vậy là làm sai. Bây giờ chúng tôi mong muốn làm sao Ban Lãnh đạo huyện Củ Chi phải rút kinh nghiệm việc này và xem xét lại vấn đề này”.
Ý kiến của người dân đã được chứng minh bởi bản án của Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên người dân thắng kiện UBND huyện Củ Chi và tuyên hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai quy định trước đó.
Nội dung bản án số 468/2013 ngày 8/4/2013, của Tòa án nhân dân TP HCM ghi rõ: “Quyết định thu hồi đất không căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và thành lập Cụm Tân Quy của UBND TPHCM là chưa có cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất”. Đồng thời có kết luận bản án là: Dự án Cụm Công nghiệp cơ khí Tân Quy mới chỉ là ý tưởng, đề án chưa được thông qua theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Trước sự việc trên, UBND huyện Củ Chi cho biết, huyện đã căn cứ văn bản số 4679 ngày 3/8/2005 của UBND thành phố về việc thực hiện dự án Cụm công nghiệp cơ khí thành phố. Theo đó, huyện đã căn cứ đơn giá bồi thường và mức hỗ trợ và tái định cư của dự án theo hướng dẫn của Sở Tài Chính và theo Nghị định số 197/2004 của Chính phủ.
Việc Hội đồng bồi thường dự án không áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại Nghị định số 69/2009 của Chính phủ là có cơ sở, do tại Điểm 4, Điều 39 của Nghị định đã quy định: Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định của Nghị định này. Trường hợp bồi thường chậm thì giá đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 điều 9 trong Nghị định 197.
Ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi cho biết: “Lãnh đạo huyện, xã và ấp đã tổ chức rất nhiều cuộc trao đổi công khai, minh bạch dự án này cho nhân dân. Đồng thời đã tuyên truyền vận động bàn giao mặt bằng. Căn cứ trên cơ sở của pháp luật mình vận động, tuyên truyền. Người dân nếu còn vấn đề này, vấn đề kia thì mình tiếp tục xem xét những vấn đề họ kiến nghị đề xuất, mình sẽ xem kỹ lại và tiếp tục vận động tuyên truyền, giải thích cho rõ những vấn đề người dân thắc mắc để cùng đồng thuận với chính quyền địa phương”.
Đến nay, Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng của UBND huyện Củ Chi đã tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho 784 trên tổng số 821 hộ dân. Hiện chỉ còn 37 hộ dân chưa tiến hành xong việc bồi thường. UBND huyện Củ Chi cũng đang chỉ đạo các ngành chức năng vận động các hộ dân này nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án./.