Học trò “chóng mặt” vì... thi cuối năm
Học ở trường về, sau bữa ăn tối vội vã, em Trần Nguyệt Minh, học sinh lớp 8 ở Bình Thạnh, TPHCM lao ngay vào bàn học lôi tài liệu sách vở ra để ôn các môn còn lại. Gần một tháng nay, em học gần như không ngơi nghỉ nhồi nhét hàng loạt các môn học trong kỳ thi cuối năm. Môn nào cũng bài tập, đề cương dày cộm, Minh cho hay, em học liên tục mà còn không làm hết bài tập.
“Gần tháng nay con tôi ngủ không quá 5 tiếng ngày” là chia sẻ của chị Lê Thị Dần, có con gái học bậc THCS ở Q.1, TPHCM. Cháu học cả ngày ở trường, trưa cũng tranh thủ xem bài. Về nhà là ngồi vào bàn học đến khuya, có hôm bài khó, bài nhiều thì học đến 12h đêm. Hôm sau hơn 5h sáng đã phải dậy để chuẩn bị sửa soạn đến trường cho kịp giờ vì còn tắc đường, kẹt xe.
“Tôi thấy con rất căng thẳng nhưng nói cháu học bớt chút đi thì cháu không chịu. Thầy cô giao đề cương nhiều, cháu nói nhất quyết phải hoàn thành thì mới làm được bài. So với hồi mình đi học, các con bây giờ học cực quá, thi cử triền miên, thi học kỳ thôi chẳng khác nào thi đại học”, người mẹ nói.
Điểm kém trở thành nỗi ám ánh của nhiều học trò, nhất là các em có những thành tích học tập nhất định với nhiều kỳ vong từ bố mẹ, thầy cô. Để đạt kết quả tốt, các em phải dốc sức để ôn thi, thậm chí lúc này ngoài thời gian tranh thủ ngủ thì mọi nhu cầu, sinh hoạt khác đều cắt hết.
Lịch thi dày đặc, thi nhiều môn... trải dài từ bậc tiểu học đến THPT. Riêng với học sinh cuối cấp như lớp 5, lớp 9 và lớp 12, việc học còn áp lực hơn nhiều lần khi các em phải đương đầu với giai đoạn chuyển cấp. Học sinh lớp 5 dùng kết quả thi cuối năm để xét tuyển, học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ trải qua kỳ thi tuyển sinh hết sức gắt gao.
Ngoài áp lực từ các môn thi chính thức, học sinh còn lo ngay ngáy một số môn học khác tuy không thi nhưng có thể quyết định kết quả học tập cả học kỳ, cả năm. Ví dụ như môn Thể dục nếu học sinh bị đánh giá là không đạt thì dù tổng kết các môn khác có đạt Giỏi vẫn có thể kéo xếp loại học lực của học sinh xuống Trung bình. Với nhiều em có thể lực yếu thì đây là một sự thách đố để... thành học sinh giỏi toàn diện.
Một giáo viên dạy bậc THCS ở TPHCM chia sẻ, thi học kỳ với học sinh rất áp lực. Chỉ trong vòng khoảng 2 tuần, học sinh phải thi tất cả các môn theo lịch thi của Phòng GD-ĐT. Ngoài các môn thi theo đề chung, các em phải thi các môn khác như Công nghệ, Thể dục, Tin học... theo lịch của nhà trường.
Việc học của học sinh vẫn quay cuồng với các kỳ thi |
Học sinh được xếp lịch thi theo kiểu ngày thi - ngày nghỉ, thi xong thì có một ngày để ôn cho môn kế tiếp nên theo giáo viên này, các em phải học rất căng để “chạy” theo lịch kiểm tra liên tục.
“Với cả chục môn thi cùng với khối lượng kiến thức khổng lồ, để làm được bài đòi hỏi học sinh vừa học thuộc, vừa phải hiểu, vận dụng để làm được bài. Các em mệt mỏi, căng thẳng là chuyện không thể tránh khỏi”, thầy lên tiếng và bày tỏ quan điểm học sinh đang học trong mô hình “vận hành bằng các bài, các kỳ kiểm tra liên tục”.
Thầy dẫn chứng chỉ riêng môn Văn ở bậc THCS một kỳ đã đến gần 10 bài kiểm tra cả hệ số 2 lẫn hệ số 1.
Chạy theo các bài kiểm tra, thi cử nên thầy trò rất ngại đổi mới, sáng tạo, phá cách trong dạy học mà chọn cách dạy - học nhồi nhét kiến thức không hiệu quả, lắm áp lực nhưng phù hợp để thi cử.
Để giảm áp lực của các kỳ thi cho thầy và trò, việc đổi mới đánh giá, thi cử là rất cần thiết. Còn giờ, học sinh vẫn phải đương đầu với các kỳ thi căng thẳng nhưng chưa chắc đã đánh giá thật sự được chất lượng dạy học thì liệu các em có được động lực, khát vọng để học tập suốt đời hay là qua vài kỳ thi thì "hãi việc học đến suốt đời" như lời chua chát của một nhà giáo.
Và rồi vào mùa thi, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý lại phải cảnh báo tình trạng các phòng khám tâm thần nhi quá tải. Nhiều học sinh hóa điên vì... học, vì thi.
ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân khuyến cáo, vào mùa thi, nếu học sinh có những dấu hiệu bất thường như thường xuyên đau đầu, mất ngủ, sợ học, nôn ói, ngất xỉu, rơi vào trạng thái hoảng loạn hay có những biểu hiện loạn thần như khóc cười vô cớ, không kiểm soát được lời nói, hoang tưởng thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa các em thăm khám ở chuyên khoa tâm thần để có hướng điều trị thích hợp.