Học đại học trong 3 năm: Các trường lo thiết kế lại chương trình
Thời gian đào tạo ĐH có thể rút ngắn xuống chỉ còn 3 năm. |
Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH là hợp lý
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM cho rằng, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung hệ thống giáo dục quốc dân trong đó quy định đào tạo đại học rút ngắn xuống còn 3-5 năm thì trong thực tế, sinh viên của các trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ cũng đã rút ngắn được thời gian đào tạo khá nhiều.
Tại trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, tính đến nay, trong số 15.000 sinh viên tốt nghiệp theo hệ thống tín chỉ có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp trong vòng 3 năm, khoảng 11% tốt nghiệp trước thời hạn (3-3,5 năm).
"Vấn đề đáng để ý là các em tốt nghiệp trước thời hạn xếp loại xuất sắc, giỏi rất nhiều. Như vậy, thực tế chứng minh rút ngắn thời gian học đại học là hết sức hợp lý và có tính cạnh tranh tốt trong xu thế hội nhập hiện nay" - ông Lý phân tích.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, từ khi trường này chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chương trình cũng đã được thay đổi phù hợp với thời gian đào tạo từ 3-5 năm của Khung hệ thống giáo dục quốc dân vừa được ban hành.
"Thời gian đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thông thường là 4 năm. Tuy nhiên, với hệ thống đào tạo tín chỉ, sinh viên có thể rút ngắn được tối đa 1 năm. Về thời gian đào tạo tối thiểu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có quy định là 3 năm" - ông Triệu thông tin.
Theo ông Triệu, mặc dù quy định về khung chương trình đào tạo đại học tối thiểu là 120 tín chỉ, song Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn xây dựng thực tế là 130 tín chỉ. Mặc dù vậy, nhiều sinh viên vẫn có thể tốt nghiệp trong thời gian từ 3-3,5 năm.
Từ đó, ông Triệu khẳng định rằng, quy định mới được ban hành trong Khung hệ thống giáo dục quốc dân là khá phù hợp với thực tế.
Còn ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM khẳng định, rút ngắn thời gian đào tạo đại học là phù hợp với xu thế của thời đại cũng như văn hóa làm việc của con người trong thời đại mới.
"Trong thời đại số, mọi thông tin đều có trên mạng Internet. Ngay cả việc lên lớp của thầy và trò cũng có thể được thực hiện qua phương pháp online kết hợp với truyền thống" - ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng cho biết, ngay tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, sinh viên tốt nghiệp trước 1 năm cũng không phải là hiếm.
Cắt ngắn những gì kéo dài lê thê
Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho rằng, với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, việc quy định linh động thời gian đào tạo giúp các trường chủ động trong việc xây dựng chương trình đào tạo của mình.
Theo ông Sơn, đây là cơ hội để các trường xây dựng chương trình theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo, đặc biệt là các trường theo định hướng ứng dụng.
"Các trường có thể lựa chọn hướng đào tạo rút ngắn thời gian đào tạo thông qua việc xây dựng các môn học tích hợp và tăng cường các chương trình thực tế tại doanh nghiệp" - ông Sơn phân tích.
"Tuy nhiên, ở đây ta cần làm rõ việc rút ngắn thời gian là tùy thuộc vào trường, tùy vào định hướng của từng trường chứ không phải là bắt buộc cho tất cả".
Thời gian đào tạo của các bậc học theo Khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân. Nguồn: Bộ GD-ĐT. |
Còn ông Trần Đình Lý thì cho rằng, quan điểm của ông là cắt ngắn những cái gì kéo dài lê thế. Tốt nhất là bám lấy chương trình, phân tầng của các trường đại học lớn, tiên tiến trên thế giới, đây là việc rất thuận tiện và xu thế hội nhập.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, theo quy định, thời gian đào tạo của các trường cao đẳng là 3 năm. Song, trong thực tế, nhiều ngành học thể hiện sự bất cập khi chỉ cần 2 năm là có thể đạt tay nghề ngang tầm khu vực.
"Tuy nhiên, theo các quy định cũ, các trường không được thay đổi chương trình. Với quy định hiện tại, chúng tôi có thể cắt ngay chương trình học của nhiều ngành xuống mức tối thiểu là 2 năm được" - ông Ngọc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng, với Khung trình độ quốc gia và Khung hệ thống giáo dục quốc dân, các trường chắc chắn sẽ phải thiết kế lại chương trình đào tạo. Hiện tại, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đã giao cho các khoa xây dựng kế hoạch thay đổi chương trình.
"Cái vướng hiện nay là các môn lý luận chính trị, môn ngoại ngữ. Đây là những môn học bắt buộc chiếm thời lượng khá lớn trong chương trình nhưng các trường phải chịu, không thay đổi được" - ông Dũng phân tích.
Nhờ doanh nghiệp xây dựng chuẩn đầu ra
Đại diện các trường ĐH, CĐ cho biết, với Khung trình độ quốc gia, việc thay đổi chương trình đào tạo của các trường còn phải dựa trên cơ sở xây dựng lại chuẩn đầu ra, để đảm bảo sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Theo ông Trần Đình Lý, để đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia, chương trình đào tạo phải được xây dựng dựa trên cơ sở đào tạo theo nhu cầu, chọn lọc môn học phù hợp làm gốc.
"Đặc biệt phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật nhu cầu từ thị trường lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên" - ông Lý nói.
"Cần chọn những thi sinh phù hợp, học đúng với năng lực sở trường của mình để tránh lãng phí, học xong mà không sử dụng…"
Việc thiết kế lại chương trình của các trường cần dựa trên việc xây dựng chuẩn đầu ra. |
Còn ông Đồng Văn Ngọc cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban Khung trình độ quốc gia, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng đã bắt đầu tiến hành việc xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên của trường.
Theo ông Ngọc, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội là trường trọng điểm về đào tạo nghề nên vấn đề cốt lõi là sinh viên ra trường phải có việc làm. Do đó, để có thể xây dựng được chuẩn đầu ra thì phải tiếp cận các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để biết doanh nghiệp cần những kỹ năng gì, từ đó mới xây dựng tiêu chuẩn thực hiện kỹ năng đó.
"Sau khi xây dựng tiêu chuẩn thực hiện kỹ năng thì mới có thể xây dựng chương trình đào tạo và phân bổ chương trình đào tạo đó cho một nghề nhất định" - ông Ngọc phân tích.
Chia sẻ quan điểm này, ông Đỗ Văn Dũng cho biết, ngay từ năm 2011, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM đã mời các bên liên quan như sở GD-ĐT, các trường học tiên tiến, doanh nghiệp để "vẽ" nên chân dung kĩ sư tương lai với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kĩ năng, thái độ. Từ đó trường sẽ lập ma trận đối sánh để đưa vào các môn học.
Ông Phạm Thái Sơn thì cho rằng, thực tế xây dựng chương trình đào tạo hiện nay các trường cũng thực hiện khá chuẩn, với sự tham gia của nhiều đối tượng, đặc biệt là người sử dụng lao động.
"Với việc linh động về thời gian cũng như hướng mở trong việc liên thông giữa các ngành học, bậc học đòi hỏi các trường nếu muốn thay đổi, cần có đánh giá cẩn thận để có thể xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với các chuẩn đầu ra của các ngành và trình độ" - ông Sơn phân tích.