Hai cha con kiên trì chống cát tặc trên sông Đồng Nai
Nhiều năm nay, khu vực sông Đồng Nai, đoạn qua phường Long Phước, quận 9, TP HCM bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép. Gắn bó với nơi này từ lâu, không đành lòng nhìn đất đai, nhà cửa mất dần, 2 cha con ông Nguyễn Văn Phó, 75 tuổi và anh Nguyễn Tuấn Hải, 46 tuổi đã tích cực tham gia chống cát tặc dù gặp không ít khó khăn, nguy hiểm.
Khu vực rạch Bàng Cồn Cỏ ở khu phố Trường Khánh, phường Long Phước, quận 9, TP HCM trước đây là một vùng đất đai rộng lớn, cây cối xanh tươi. Nhiều người đã mua đất, xây nhà để sinh sống lâu dài.
Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đất đai cứ dần sạt lở xuống sông do nạn khai thác cát lậu. Thông thường, từ 20h – 5h sáng là thời điểm các tàu hút cát hoạt động rầm rộ nhất.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường |
Đây là nơi những nhóm khai thác cát lậu từ Bình Dương, Long An, Đồng Nai... kéo đến làm ăn. Mỗi lần cát tặc xuất hiện, cả khúc sông như náo động vì tiếng ghe chạy, máy bơm hút hoạt động liên tục.
Mỗi ghe trang bị 2-3 ống hút đường kính rộng gần 30cm với hàng chục người thay nhau bơm hút cát, sau đó chuyển sang xà lan đưa đi tiêu thụ. Nhiều đêm người dân ven sông không dám ngủ vì sợ xảy ra sạt lở. Gần 10 năm nay, có khoảng 20 người đã bị mất đất, nhưng phần lớn chỉ viết đơn kêu cứu chính quyền địa phương chứ ít dám ra mặt chống đối vì cát tặc lộng hành, sẵn sàng đe dọa, chống trả khi có người phản ứng.
Anh Bảy Hòa, một người dân bị mất đất cho biết: “Cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Nhà của gia đình tôi bị trôi xuống sông. Hiện nay, khu vực này đã mất hơn 60ha và có nguy cơ đang bị xâm lấn thêm. Cát tặc ở đây lộng hành”.
Sống ở phường Long Phước từ sau năm 1975 đến nay, hai cha con ông Nguyễn Văn Phó và Nguyễn Tuấn Hải chứng kiến đất đai, nhà cửa của người dân trôi theo con nước.
Trước đây, từ năm 1976 - 2006, khi là tổ trưởng khu phố Trường Khánh, mỗi khi nghe người dân phản ánh hay nắm thông tin, cứ tầm 19h, ông Nguyễn Văn Phó cùng các chủ đất chạy ghe ra sông mai phục rồi bắt giữ hoặc đuổi đi.
Giai đoạn này, tuy số lượng tàu ít, phương tiện thô sơ nhưng ông cũng không gặp không ít khó khăn khi thường bị ghe hút cát lớn hơn tông thẳng vào, té nhảo xuống sông và hư hỏng phương tiện.
Từ năm 2006 đến nay, khi ông Phó không làm tổ trưởng tổ dân phố này nữa nạn khai thác cát lậu càng dữ dội hơn. Ông Nguyễn Văn Phó nói: “Tôi tham gia chống cát tặc từ năm 34 tuổi. Số đất đai vừa bị mất, ngày xưa tôi canh chừng rất cẩn thận. Cát tặc toàn đi ban đêm, ban ngày nằm ngủ. Bây giờ, chính quyền địa phương phải làm thế nào để bắt được cát tặc chứ kiểu này rất khó”.
Thấy cha tuổi cao sức yếu nhưng vẫn đau đáu vì nạn cát tặc hoành hành, hơn 10 năm nay, anh Phạm Tuấn Hải cũng không ngại nguy hiểm, tiếp tục làm công việc mà cha anh còn dang dở.
Thông thường cứ vào khoảng 6h -19h, anh chạy xe máy dọc bờ sông để quan sát tình hình, ghi chép số các ghe, tàu khả nghi rồi báo cho người dân lân cận lưu ý. Nhiều lúc 1 – 2h đêm, nếu tình hình quá căng, một mình anh bất chấp nguy hiểm lái ghe ra sông rồi báo tin cho các lực lượng chức năng.
Anh Hải cho biết, giờ ở khu phố này chắc có mình anh dám làm như vậy vì những nhóm cát tặc rất manh động và chống trả quyết liệt khi phát hiện có người theo dõi, truy bắt, kể cả đó là công an địa phương.
Cũng như cha anh trước đây, anh Hải nhiều lần bị các ghe, tàu hút cát tông thẳng vào ghe, còn bị đe dọa như cơm bữa. Anh nhớ lại, giai đoạn trước năm 2010, lúc còn làm lái tàu chở công nhân thi công đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, mỗi lần phát hiện cát tặc sắp sửa hút cát là anh cùng công nhân khác lái tàu đuổi quyết liệt, vì vậy, tình hình tạm yên ắng, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
Lần mới nhất anh Hải đụng độ cát tặc là cách đây 4 tháng. Lúc đó hơn 10h đêm, anh mới bắt đầu chạy ghe bị phát hiện. Do biết mặt nhau rồi nên nhóm cát tặc lên tiếng chửi, dọa dẫm, rồi tông thẳng, cả ghe lẫn ngưởi đều lật úp xuống sông.
Trong các cuộc họp với chính quyền địa phương, anh Hải là người lên tiếng mạnh mẽ nhất khi nạn khai thác cát trái phép ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Kiên trì chống cát tặc nhiều năm, hai cha con ông Nguyễn Văn Phó và anh Nguyễn Tuấn Hải là nguồn tin đáng tin cậy của chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí mỗi khi muốn tìm hiểu về nạn khai thác cát ở đây. Ròng rã mấy mươi năm, dù tốn không ít thời gian, tiền bạc và công sức nhưng họ vẫn không bỏ cuộc.
Tuy nhiên, đằng sau việc làm nghĩa hiệp ấy, hai cha con anh cũng không giấu được sự ngậm ngùi bởi đây là cuộc đối đầu không cân sức, cát tặc ngày càng lộng hành hơn.
Gần 60 ha đất giáp mặt sông trù phú ngày nào đã biến mất, thay vào đó là một khu vực mênh mông nước. Điều mà những người dân nơi đây mong mỏi nhất lúc này là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống cát tặc gian nan này./.