Hạ viện Anh bỏ phiếu về kế hoạch hành động của Chính phủ
Hạ viện Anh ngày 29/6 đã bỏ phiếu về dự thảo kế hoạch hành động của chính phủ thiểu số của đảng Bảo thủ trong thời gian tới. Văn bản này đã được nữ hoàng Anh Elizabeth công bố hôm 21/6, trong buổi khai mạc Quốc hội khóa mới của nước Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May (Ảnh: AFP). |
Trong diễn văn khai mạc quốc hội, Nữ hoàng Anh đã đề cập 24 dự thảo của chính phủ, trong đó có tới 8 dự thảo liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Những dự thảo liên quan đến Brexit gồm dự luật "Hủy bỏ lớn" nhằm hủy bỏ và thay thế các luật lệ của EU bằng luật pháp Anh, dự thảo về hải quan, thương mại, nhập cư, thủy sản, nông nghệp, an toàn hạt nhân và trừng phạt quốc tế đối với một số thể chế trên thế giới.
Sau thất bại của cuộc bầu cử trước thời hạn, cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện lần này được đánh giá là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Theresa May.
Chiến thắng sít sao
Trong cuộc bỏ phiếu vào tối 29/6 theo giờ địa phương tại Anh, chính phủ của đảng Bảo thủ của nữ Thủ tướng Theresa May đã chiến thắng một cách sít sao, cụ thể là với 323 phiếu ủng hộ so với 309 phiếu. Đây được xem như là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và có thể coi là một thắng lợi, dù nhỏ, đối với chính phủ của bà May và cũng có nghĩa là chương trình lập pháp này sẽ được bảo đảm thực thi trong vòng 2 năm tới.
Chiến thắng sít sao này của đảng Bảo thủ và Thủ tướng Theresa May có sự đóng góp rất lớn của đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland, sau khi bà May đã đưa ra rất nhiều nhượng bộ đối với đảng nhỏ này trong mấy ngày qua.
Ngoài ra cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh tối 29/6 cũng gây chú ý bởi sự kiện thủ lĩnh Công đảng đối lập là ông Jeremy Corbyn gặp phải sự phản đối khá mạnh mẽ trong nội bộ Công đảng, liên quan đến điều khoản muốn nước Anh vẫn ở lại trong liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất châu Âu sau khi hoàn tất Brexit. Có đến 49 Nghị sĩ Công đảng đã công khai phản đối quan điểm của ông Corbyn là phải rút nước Anh khỏi khối thị trường đơn nhất châu Âu. Và đây có thể xem là một cuộc nổi loạn nhỏ nhưng rất đáng chú ý trong nội bộ Công đảng.
Dự thảo Kế hoạch Hành động gây tranh cãi
Bản dự thảo Kế hoạch hành động do chính phủ thiểu số của đảng Bảo thủ soạn thảo gây ra khá nhiều tranh cãi, cả về mặt nội dung lẫn về cách thức mà nó được vận động để thông qua. Ví dụ nổi bật ở đây là điều luật liên quan đến việc phụ nữ ở Bắc Ireland được phép phá thai miễn phí tại các vùng lãnh thổ khác trong Liên hiệp Vương quốc Anh là nước Anh và Xứ Wales mà trước đây thì điều này không được phép, không được Cơ quan y tế quốc gia chi trả.
Tuy nhiên, trong một động thái được xem là để lôi kéo đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland vào liên minh cầm quyền và để chiếm đa số vừa đủ tại Hạ viện Anh thì chính phủ đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đã vận động để thông qua điều luật này khi đứng ra bảo đảm về vấn đề tài chính. Đó là một động thái gây rất nhiều tranh cãi.
Ngoài ra, giữa hai đảng Bảo thủ và Công đảng cũng có rất nhiều tranh cãi gay gắt về các điều khoản liên quan đến chi tiêu công hay về thuế. Nhìn chung, dư luận và chính trường Anh nhìn nhận bản kế hoạch hành động của chính phủ đảng Bảo thủ một cách không thống nhất và trên thực tế thì bản kế hoạch này đã vượt qua cuộc bỏ phiếu một cách rất sít sao nhờ sự ủng hộ quan trọng của 1 đảng nhỏ chỉ có 10 ghế tại Hạ viện Anh là đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland.
Cuộc bỏ phiếu quyết định tương lai của Thủ tướng May
Trước khi cuộc bỏ phiếu này diễn ra thì đã có khá nhiều đồn đoán về tương lai của Thủ tướng Theresa May, trong đó nổi lên là các ý kiến ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ về việc nên tính đến khả năng thay thế Thủ tướng May vào Mùa Thu năm 2018, tức là khi mà các đàm phán về Brexit đã đi vào giai đoạn cuối cùng.
Các ý kiến này cho rằng khi đó sẽ là thời điểm thích hợp để đảng Bảo thủ tìm một thủ lĩnh mới bởi phía Liên minh châu Âu đã xác định tháng 10/2018 là thời hạn để hai phía Liên minh châu Âu và nước Anh đạt được một thoả thuận sơ bộ trước khi hoàn tất vào tháng 3 năm 2019. Và đó được xem là thời điểm mà bà May nên ra đi để đưa nước Anh bước vào một trang mới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, một khi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày hôm qua, bà May sẽ tại vị lâu dài hơn nhiều người mong muốn. Thực tế ra sao thì chúng ta cần chờ thời gian trả lời nhưng trước mắt có thể nói bà May đã đạt được một thắng lợi nhỏ. Việc Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua chương trình lập pháp của chính phủ cho phép bà May tiếp tục ngồi ở cương vị Thủ tướng và dù vị thế đó có mong manh thì cũng là tốt hơn rất nhiều so với việc bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và phải từ chức.
Liên minh mong manh
Thủ tướng Theresa May vừa bày tỏ sự tự tin sẽ có thể giàn xếp được một thỏa thuận liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland.
Để đổi lấy sự ủng hộ của đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland nhằm có được một đa số vừa đủ tại Hạ viện Anh, nữ Thủ tướng Anh Theresa May đã phải có những nhượng bộ công khai, cụ thể là gói tài chính hơn 1 tỷ bảng cung cấp cho Bắc Ireland. Đây là động thái bị các nước khác trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Xứ Wales hay Scotland phản đối mạnh mẽ bởi các nước này cho rằng hành động của bà May là việc dùng tiền của chính phủ đi mua quyền lực cho đảng Bảo thủ.
Ngoài ra, việc chính phủ của bà May ủng hộ dự luật cho phép phụ nữ Bắc Ireland được phá thai miễn phí, hay chính xác hơn là được Cơ quan y tế quốc gia chi trả chi phí, khi tiến hành phá thai tại nước Anh hay xứ Wales cũng gây rất nhiều tranh cãi.
Do vậy, hiện tại dù chính phủ đảng Bảo thủ của bà May đã có được một đa số vừa đủ tại Hạ viện Anh nhưng đa số này là khá mong manh. Chỉ cần 10 Nghị sĩ của đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland chống đối là ngay lập tức đa số này sẽ biến mất. Vì thế, có thể nói là ở thời điểm này chính phủ của đảng Bảo thủ đang ở vào vị thế phải phụ thuộc nhiều vào một đảng nhỏ, và đôi khi phải nhân nhượng quá nhiều nhằm duy trì được đa số tại Hạ viện. Đó là điều rất không chắc chắn./.