Giới chức Nga: Đòn trừng phạt Nga cho thấy “sự hoang tưởng” của Mỹ
Động thái quyết liệt trên của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong những ngày làm việc cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ tiếp tục làm suy giảm mối quan hệ Nga - Mỹ vốn đang xấu đi nghiêm trọng do những mâu thuẫn ở Ukraine và Syria.
Căng thẳng Nga - Mỹ gia tăng sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: Reuters |
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov nhấn mạnh, Mỹ muốn hủy hoại các mối quan hệ giữa hai nước, vốn hiện đang ở thời điểm tồi tệ. Ông Peskov tuyên bố Nga phản đối những đánh giá và cáo buộc vô căn cứ nhằm vào nước này, đồng thời khẳng định Nga sẽ có các phản ứng đáp trả tương ứng phù hợp.
"Những cáo buộc của Mỹ là vô lý. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ hiện thời là sự biểu hiện của chính sách ngoại giao khó đoán. Chúng tôi rất tiếc về việc Chính phủ Mỹ và bản thân Tổng thống Obama đưa ra quyết định này.
Như đã nói trước đó, chúng tôi coi quyết định đó và những lệnh trừng phạt là không công bằng, không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này chỉ khiến cho quan hệ hai nước bị đóng băng”.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng nhấn mạnh, Nga sẽ chưa vội đáp trả và hy vọng chính quyền sắp tới của Mỹ có những bước đi tích cực hơn để bình thường hóa quan hệ song phương.
Trong khi đó, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khẳng định việc Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga và trục xuất 35 cán bộ ngoại giao Nga là bằng chứng của "sự hoang tưởng thực sự".
Theo ông Slutsky, Mỹ một lần nữa có các biện pháp "hiếu chiến" chống lại Nga. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachyov gọi việc Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga là "sự giãy giụa của những xác chết chính trị".
Các tuyên bố trên của giới chức được đưa ra ngay sau khi cùng ngày, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế để trả đũa các hành động được cho là “sách nhiễu” của cơ quan an ninh Nga nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga, cũng như chiến dịch tấn công mạng mà Mỹ cáo buộc do chính phủ Nga chỉ đạo nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ tổng cộng có 35 quan chức thuộc Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco hoạt động không phù hợp với thân phận ngoại giao hoặc lãnh sự đã được yêu cầu rời khỏi nước này cùng với gia đình trong vòng 72 tiếng.
Mỹ cũng đóng cửa hai cơ sở giải trí do Chính phủ Nga sở hữu tại thành phố New York và tiểu bang Maryland, bắt đầu từ chiều 30/12.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Obama cũng công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào hai cơ quan tình báo chủ lực của Nga là Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cùng 4 quan chức của Cơ quan Tình báo Quân đội và 3 công ty cung cấp sự hỗ trợ cho cơ quan này, cũng như 6 cá nhân liên quan tới chiến dịch tấn công mạng mà Mỹ cho rằng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Từ tháng 3/2014, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp dụng một số lệnh trừng phạt kinh tế Nga, đưa hàng chục người trong đó có cả những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Putin vào danh sách đen sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có duy trì các lệnh trừng phạt này hay không sau khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới.
Trước đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Trump cho biết, những biện pháp trừng phạt này vô dụng và bỏ ngõ khả năng có thể dỡ bỏ trừng phạt. Theo kế hoạch, trong tuần tới, ông Trump sẽ gặp giới chức lãnh đạo tình báo Mỹ để làm rõ thông tin về việc Nga tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016./.