Duy trì nghiêm túc, quản lý chặt chẽ
Điều dễ nhận ra là nếu duy trì nghiêm, đúng, đủ các chế độ, có nền nếp sẽ góp phần bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ “giờ nào việc ấy”, qua đó hạn chế, tiến tới loại trừ những biểu hiện và hành vi tự do, tùy tiện, vi phạm kỷ luật. Thực tiễn cho thấy, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, nền nếp các chế độ vừa là nội dung, vừa là biện pháp trong công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong từng cơ quan, đơn vị…
Quản lý bằng chế độ
Trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của quân đội cho thấy: 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần đã thể hiện cao độ tính khoa học nhằm duy trì các hoạt động trong ngày, trong tuần của quân nhân. Với tính liên tục của 11 chế độ trong ngày, quân nhân không chỉ được học tập, huấn luyện, rèn luyện, vui chơi một cách khoa học mà còn bảo đảm cho toàn đơn vị hoạt động thống nhất, chính quy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý kỷ luật của mỗi đơn vị.
Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy, khi duy trì nghiêm các chế độ, trong ngày thì cán bộ các cấp, nhất là tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, vừa có điều kiện nắm chắc chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, vừa hiểu được đặc điểm tính cách, diễn biến tâm lý của mỗi quân nhân, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Đơn cử, nếu kiểm tra, nắm chắc việc thực hiện chế độ ngủ nghỉ, cán bộ có thể phát hiện được tâm lý bất thường của những chiến sĩ không thực hiện chế độ này, từ đó kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, đề ra biện pháp giải quyết, giúp chiến sĩ yên tâm, gắn bó với đơn vị và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hoặc khi thực hiện chế độ “điểm danh, điểm quân số”, cán bộ có điều kiện quản lý chắc quân số của đơn vị và ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm kỷ luật.
Đội ngũ cán bộ của Tiểu đoàn 11 (Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) hướng dẫn bộ đội luyện tập bắn súng. Ảnh:Hoàng Hà |
Thời gian qua, những vụ việc vi phạm kỷ luật phần nhiều rơi vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, nhất là khi cán bộ các cấp thiếu sâu sát, ít kiểm tra, buông lỏng quản lý. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ này, trong những năm qua, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phương pháp quản lý, duy trì kỷ luật cho đội ngũ cán bộ các cấp, trọng tâm là đội ngũ cán bộ cấp trung đội; đồng thời duy trì nghiêm chế độ ngày, tuần; tăng cường các biện pháp quản lý quân số, quản lý kỷ luật. Trung tá Hoàng Văn Rèn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 cho biết: "Bên cạnh các biện pháp nói trên, cán bộ của đơn vị luôn gương mẫu thực hiện hiệu quả mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau” với chiến sĩ (cùng ăn, cùng ở, cùng làm; làm trước, dậy trước; ăn sau, ngủ sau chiến sĩ). Các đơn vị cũngphát huy hiệu quả vai trò của hệ thống chiến sĩ bảo vệ, qua đó kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật từ sớm, từ xa, nhất là những thời điểm như đón nhận chiến sĩ mới, chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ; sau mỗi giai đoạn huấn luyện; cán bộ sau khi được bổ nhiệm, điều động... Nhờ đó, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị không để xảy ra vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng và mất an toàn trong huấn luyện, công tác và trong tham gia giao thông.
Tiểu đoàn 3 (Học viện Hải quân) quản lý học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học với nhiều chuyên ngành, đối tượng học viên đa dạng, trong khi đơn vị đứng chân trên địa bàn thành phố biển sôi động, nên trong công tác quản lý kỷ luật gặp không ít khó khăn, thách thức. Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cho biết: "Nhằm quản lý tốt kỷ luật, đơn vị xác định phải duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trong ngày, cán bộ luôn theo sát bộ đội. Học viên là đối tượng được nghỉ hè, nghỉ tết, nên đơn vị cũng thực hiện tốt các chế độ, nền nếp quy định, như trước khi học viên về nghỉ tại gia đình phải tổ chức sinh hoạt 4 cấp (tiểu đội, lớp, đại đội, tiểu đoàn) và 3 ngành (đoàn, đảng, chính quyền) để quán triệt các quy định, có biên bản để học viên ký trước khi đi…".
Đóng quân trên điểm cao, đường sá đi lại khó khăn nên Trạm ra-đa 22 (Trung đoàn 295, Sư đoàn 363, Quân chủng PK-KQ) đặc biệt coi trọng thực hiện các quy định ra vào đơn vị đối với quân nhân. Đại úy Lê Hồng Thao, Trạm trưởng Trạm ra-đa 22, cho biết: "Đơn vị luôn duy trì nghiêm quy định ra vào cổng gác. Đúng 19 giờ cấm mọi quân nhân ra vào cổng khi không được phép của chỉ huy đơn vị...".
Kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời
Là đơn vị trực thuộc Sư đoàn phòng không 363 (Quân chủng PK-KQ), Trung đoàn ra-đa 295 có lực lượng đóng quân phân tán trên địa bàn rộng. Bởi vậy, một trong những biện pháp được trung đoàn coi trọng trong duy trì kỷ luật là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cả trong duy trì chế độ ngày, tuần cũng như trong huấn luyện, SSCĐ. Thượng tá Vũ Văn Tịnh, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 295 chia sẻ: "Cùng với tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch, trung đoàn cũng tăng cường kiểm tra đột xuất thông qua hệ thống thông tin liên lạc để nắm chắc, chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện chế độ, nền nếp huấn luyện, trực ban SSCĐ tại các vị trí cũng như trình độ, nhận thức của các thành phần tham gia thực hiện nhiệm vụ".
Nhằm duy trì nghiêm kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ, Trạm ra-đa 22 (Trung đoàn 295) luôn coi trọng phát huy vai trò của trực chỉ huy, sĩ quan trực ban trong các phiên ban. Đi kiểm tra kíp trực tại đài ra-đa, Đại úy Lê Hồng Thao, Trạm trưởng Trạm ra-đa 22 cho biết: “Đơn vị thường giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành phần trong kíp ban trước mỗi phiên trực. Quá trình trực ban chiến đấu phát huy tốt vai trò của sĩ quan trực ban trong đôn đốc, duy trì kíp trực. Sau mỗi phiên ban tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ ra những điểm hạn chế và tổ chức khắc phục triệt để trong các phiên ban sau”.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, đôn đốc cũng được cán bộ các cấp của Tiểu đoàn 3 (Học viện Hải quân) thực hiện nghiêm, với những quy định cụ thể, như: Khi học viên lên lớp, cán bộ đại đội, tiểu đoàn phải trực trên phòng học. Giờ đọc báo, xem thời sự mỗi tối do chính trị viên đại đội trực tiếp đọc và quản lý quân số. Tất cả giờ thể thao, cán bộ đại đội đều phải duy trì rèn luyện thể lực và thực hiện đủ các môn trong tuần.
Duy trì các chế độ trong huấn luyện cũng là một trong những biện pháp để giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn. Thế nhưng qua một số vụ vi phạm kỷ luật, mất an toàn huấn luyện thời gian qua cho thấy việc kiểm tra, chấn chỉnh của cán bộ còn những kẽ hở, đặc biệt là công tác phổ biến, quán triệt để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc kỷ luật thao trường, quy chế bảo đảm an toàn trong huấn luyện. Vấn đề đặt ra ở đây trước hết là cán bộ các cấp không được xem nhẹ việc quán triệt, phổ biến và kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thao trường, quy tắc an toàn. Công việc này phải làm chặt chẽ và thường xuyên cả trước, trong và sau khi huấn luyện, cả trong giờ nghỉ giải lao, không để bộ đội tự do đi lại, tự luyện tập mà không có hướng dẫn, hay sử dụng vũ khí, trang bị không đúng nguyên tắc....
Có thể nói, thực tiễn hoạt động đã chứng minh, ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào, nếu nền nếp, chế độ công tác bị “bớt xén” hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc, chặt chẽ, sẽ tạo ra “kẽ hở” để quân nhân vi phạm kỷ luật. Ngược lại, ở đâu duy trì nghiêm các chế độ ngày, tuần cũng như nền nếp, chế độ trong từng nội dung công tác, thì ở đó kỷ luật không chỉ được giữ vững mà còn tạo nền tảng vững chắc để cơ quan, đơn vị đó thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.