Đột phá xét nghiệm xem có cần tiêm vắc xin ngừa bệnh dại
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố một xét nghiệm mới mang tính đột phá về bệnh dại, cho phép xác định nhanh, nhạy và đặc hiệu con vật cắn có bị dại hay không.
Tổng quan về bệnh dại
Bệnh dại giết chết khoảng 60.000 người mỗi năm, chủ yếu ở châu Phi và châu Á. Bệnh do virut dại lan truyền từ động vật mắc bệnh, chó, mèo, gấu, cáo, chồn, sóc, chuột, dơi…sang người chủ yếu qua vết cắn. Sau khi bị con vật dại cắn, bệnh có thể thời gian ủ bệnh vài tháng trước khi phát bệnh dại. Khi bệnh dại đã phát lộ, với các triệu chứng bệnh dại xuất hiện, hết thảy bệnh nhân đều sẽ tử vong. Vì vậy, xác định con vật cắn có bị dại hay không để tiêm ngừa dại là rất quan trọng. Nếu không biết con vật cắn, tốt nhất, an toàn nhất là phải tiêm phòng ngừa dại.
Xét nghiệm đột phá chẩn đoán dại
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa phát triển một xét nghiệm bệnh dại mới mang tính đột phá, cho phép xác định con vật cắn người có mắc bệnh không, và người tiếp xúc có cần tiêm thuốc ngừa hay không: xét nghiệm LN34. Nghiên cứu được công bố trên PLOS One, tờ báo của Thư viện Khoa học Công cộng (PLOS) ngày thứ Tư 16/5/2018 vừa qua.
Xét nghiệm LN34 sử dụng kỹ thuật phân tử PCR (Polymerase Chain Reaction), như các xét nghiệm về bệnh cúm, lao, HIV…. Đây là kỹ thuật trùng phân then chốt trong di truyền học phân tử cho phép nhân lên và phân tích một đoạn ngắn axit nhân AND hay ARN. Trước đây, việc khuếch đại này được thực hiện nhờ những vi khuẩn và phải mất hàng tuần, nhưng với kỹ thuật PCR thực hiện trong ống nghiệm chỉ mất một vài giờ.
LN34 có thể tiến hành dễ dàng trên mẫu xét nghiệm là mô tươi, đông lạnh, phân hủy hoặc đã được cố định trong các khối parafin để khử hoạt tính virus, sử dụng trang thiết bị của các labo xét nghiệm thông dụng và cho kết quả ngay. Do đó, xét nghiệm LN 34 mới này có thể giúp nhanh chóng xác đình con vật đã cắn ai đó dại hay không để quyết định tiêm ngừa.
Trong nghiên cứu đa quốc gia gần đây, 14 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đã đánh giá gần 3.000 mẫu não động vật từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á, trong đó hơn 1.000 mẫu được biết là bị nhiễm vi-rút dại của hơn 60 loài động vật có vú bị bệnh dại, bao gồm chó, gấu trúc, cáo, chồn và dơi, LN34 đã xác định dương tính chính xác tất cả các mẫu dương tính với DFA, và cho kết quả chính xác cho 80 mẫu DFA không kết luận hoặc không thể kiểm chứng. Nghiên cứu này là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay để xác nhận việc sử dụng loại xét nghiệm này (một RT-PCR thời gian thực) để chẩn đoán bệnh dại ở động vật.
Bàn luận
Xét nghiệm LN34 mới này đơn giản và dễ sử dụng hơn các xét nghiệm hiện tại. Trong nghiên cứu thí điểm (pilot), xét nghiệm LN34 không cho âm tính giả, ít dương tính giả và rất ít không rõ ràng.
So với xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (direct fluorescent antibody, DFA), tiêu chuẩn vàng hiện nay để thử nghiệm bệnh dại ở động vật, thì xét nghiệm LN34 chuẩn xác và tiện lợi hơn nhiều: trong khi DFA chỉ có thể tiến hành trên các mẫu mô não mới được giữ lạnh, và chỉ các chuyên viên phòng thí nghiệm có kinh nghiệm với kính hiển vi chuyên dụng mới đọc được kết quả thì LN34 có thể tiến hành trên nhiều dạng mẫu xét nghiệm như mô tươi, đông lạnh, phân hủy với nhân viên và trang thiết bị labo xét nghiệm thông thường.
Kết luận
Trong y học, giá trị của một xét nghiệm qua hai thông số là độ nhạy (sensibility, Se) và độ đặc hiệu (specificity Sp). Xét nghiệm dại LN34 có độ nhạy là 99,90% và độ đặc hiệu 99,68% thật sự là xét nghiệm “trên cả tuyệt vời” trong y học. Crystal Gigante, nhà vi sinh hàng đầu của CDC trong nghiên cứu nhận định: “Rất nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dại cũng là những khu vực ít được chuẩn bị để thực hiện các xét nghiệm” và “ Xét nghiệm LN34 là một bước đột phá, cách mạng (revolutionized) giúp nhanh chóng xác định ai cần tiêm ngừa dại và ai không”.
Thiết nghĩ, trong tình hình thiếu vắc xin dại hiện nay, việc triển khai sử dụng xét nghiệm dại LN34 sẽ giúp ích rất nhiều cho cả y tế lẫn cộng đồng.
TS.BS Trần Bá Thoại
UV Ban Chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam