* Trong tuần qua, tình hình thế giới tiếp tục nóng do các cuộc xung đột vũ trang: Nga và Ukraine tăng cường sử dụng phương tiện mini để tránh UAV trong xung đột; AP: Ukraine đang thúc giục Washington cho phép tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga; Quan chức Nga cảnh báo kịch bản Moskva sửa đổi học thuyết hạt nhân; Nhóm Hồi giáo ở Iraq thừa nhận tấn công tàu cập cảng Israel; Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại Trung Quốc và Indonesia; Hàn Quốc ghi nhận tháng 6 có nhiều ngày nóng nhất từ trước đến nay;…

- Hãng tin AP đưa tin giới chức Ukraine đang thúc giục Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington sản xuất để tấn công sâu vào Nga.

Chú thích ảnh
Tên lửa được phóng từ Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối tháng 5, các phương tiện truyền thông đưa tin Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lặng lẽ “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí của Mỹ nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì “mục đích phản công ở khu vực Kharkov”.

Sự thay đổi chính sách này sau đó đã được Tổng thống Biden xác nhận. Ông nhấn mạnh Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất “ở gần biên giới với Nga, nếu Moskva dùng vũ khí ở phía bên kia biên giới tấn công các mục tiêu cụ thể ở Ukraine”.

“Washington không cho phép Ukraine tấn công sâu hơn 320 km vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi không cho phép họ tấn công vào Moskva, hay Điện Kremlin”, ông giải thích vào thời điểm đó.

Sau đó, Lầu Năm Góc tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp ngoài khu vực Kharkov để đáp trả một cuộc tấn công xuyên biên giới từ Nga, miễn là họ không sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ của nước láng giềng.

Tuy nhiên, ba quan chức Mỹ giấu tên được AP phỏng vấn xác nhận rằng Chính quyền của ông Biden vẫn không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Các chỉ huy Ukraine cũng nói với hãng tin này rằng các quy tắc giao chiến hiện tại vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng ATACMS.

Chỉ huy pháo binh Ukraine có biệt danh Hefastus cho biết: “Nếu Mỹ đảo ngược chính sách này, Kiev có thể nhắm mục tiêu vào các căn cứ chỉ huy lữ đoàn Nga và toàn bộ nhóm phía Bắc, vì chúng nằm cách tiền tuyến 100 đến 150 km”.

Ông Egor Cherniev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về an ninh quốc gia Ukraine, nói: “Thật không may, chúng tôi vẫn không thể tiếp cận các sân bay và máy bay của Nga do tầm bắn hạn chế của vũ khí. Đây chính là vấn đề”.

Ông cũng cho rằng các đồng minh phương Tây nên dỡ bỏ hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự hạn chế ở Nga.

Một chỉ huy đại đội thiết bị bay không người lái của Ukraine lưu ý rằng "thật vô lý khi Nga đang tích cực tiến vào lãnh thổ Ukraine, mà chúng tôi không thể tấn công lại bên trong lãnh thổ của đối phương, nơi họ cất giữ hậu cần và vật tư".

Theo AP, trong khi các quan chức Ukraine hy vọng có thể thuyết phục Mỹ chấp thuận sự thay đổi chính sách này, họ vẫn tin rằng chỉ có tình hình chiến trường tuyệt vọng mới có thể mang lại điều đó.

Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin cho biết các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp “gần giống với hành động xâm lược”. Đồng thời, người đứng đầu Điện Kremlin cũng cảnh báo rằng Moskva sẽ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác, bao gồm cả Triều Tiên, để đáp trả việc phương Tây cung cấp hệ thống tầm xa cho Ukraine.

- Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga, ông Andrey Kartapolov, tuyên bố Nga có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân nếu các mối đe dọa và thách thức đối với đất nước tiếp tục gia tăng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ lực lượng vũ trang Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận vũ khí hạt nhân phi chiến lược chung. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ngày 23/6, ông Kartapolov nói với RIA Novosti rằng bất kỳ thay đổi đối với các quy tắc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự và chính trị quốc tế.

“Học thuyết này cho thấy phản ứng của Nga đối với những vấn đề đang diễn ra xung quanh đất nước chúng ta. Nếu thấy rằng các thách thức và mối đe dọa gia tăng, chúng ta có thể phải sửa đổi một số điều trong học thuyết, về thời gian và về việc đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Kartapolov nói.

Tuy nhiên, ông Kartapolov nhấn mạnh "còn quá sớm" để nói về bất kỳ sửa đổi cụ thể nào .

Học thuyết hiện tại của Nga nêu rõ vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng nếu đất nước bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc nếu phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh thông thường.

Hôm 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của đất nước. Nhà lãnh đạo Nga giải thích rằng lý do là vì phương Tây đang nỗ lực “hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có công suất cực thấp.

Tổng thống Nga cũng nói rằng cộng đồng chuyên gia phương Tây đang đưa ra ý tưởng rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng và “không có gì đặc biệt khủng khiếp về điều đó”, đồng thời nói thêm Nga “cần lưu tâm đến điều này”.

Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần khả năng tấn công trước, vì đòn đáp trả của chúng tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”.

Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tiết lộ các thành viên của khối quân sự này đang thảo luận về việc có nên đặt nhiều vũ khí hạt nhân hơn ở chế độ sẵn sàng chiến đấu hay không, trong bối cảnh căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải truyền đạt rõ ràng với thế giới bên ngoài rằng khối này có tiềm năng răn đe mạnh mẽ.

* Trong tuần qua, từ ngày 17 - 23/6, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Tổng thống Liên bang Nga thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; Tuần thứ 4 kỳ họp thứ 7, Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp; Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam; Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; Nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng; Hai vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại Hà Nội và Bắc Giang…

- Tuần qua, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tới Thủ đô Hà Nội, thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin hội đàm. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Lễ đón chính thức Tổng thống Vladimir Putin được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin đã hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nhân dịp này, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đánh giá cao những thành tựu quan trọng của quan hệ hai nước, khẳng định các nguyên tắc, đề ra những định hướng để đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin cùng Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng du học tại Nga. Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, trong đó có Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

- Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tuần qua, Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp.

Cụ thể, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Luật Phòng không nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi); đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

Một trong các nôi dung quan trọng là Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư dự án này, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là Quốc hội thảo luận về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quốc hội cũng tiếp tục thảo luận các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

- Trong tuần qua, nhiều hoạt động kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) đã diễn ra sôi nổi trên cả nước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sáng 17/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, thăm và chúc mừng TTXVN, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và dự khai trương chuyên trang bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đánh giá cao các hoạt động trong công tác báo chí truyền thông, định hướng tư tưởng, đồng hành với các địa phương, cộng đồng, hợp tác quốc tế của các cơ quan báo chí, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng đội ngũ những người làm báo cách mạng học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức về trách nhiệm người cầm bút, luôn tận tâm với nhiệm vụ được giao; phản ánh kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với người dân và bạn bè quốc tế; làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Chiều 19/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp mặt Lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí; gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ những người làm báo cả nước.

Tối 21/6, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII đã vinh danh 122 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, trong đó có 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích.

Giải Báo chí Quốc gia hàng năm là giải thưởng cao quý nhất với người làm báo theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Họp báo về Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV; Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Đánh giá Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI năm 2023;…

- Họp báo về Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV.

Họp báo Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV
Họp báo thông tin về chương trình Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thông tin tại họp báo về chương trình Kỳ họp thứ Mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được tổ chức, Kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26 đến 28/6/2024. Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận đối với 37 báo cáo, tờ trình do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan trình. Quyết định nhiều nội dung quan trọng thường kỳ và chuyên đề, là những cơ chế, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng; thảo luận và biểu quyết thông qua 21 Nghị quyết.

- Trong tuần qua, nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 cũng đã diễn ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng", những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhìn lại chặng đường gần 1 thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và đội ngũ những người làm báo có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được, tự tin bước những bước vững chắc để đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thái Nguyên: Hội nghị đánh giá Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI năm 2023
Hội nghị đánh giá Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI năm 2023

- Đánh giá Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI năm 2023.

Tại hội nghị đánh giá Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI năm 2023 được UBND tỉnh tổ chức cho thấy, theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023, với tổng điểm 67,48, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 23, tăng 2 bậc so với năm 2022.. Trong số 10 chỉ số thành phần, Thái Nguyên có 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số giữ nguyên điểm và 5 chỉ số giảm điểm so với năm 2022. Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt 20,85 điểm tăng 4,8 điểm so với năm 2022, xếp thứ 41/63 tỉnh thành phố. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh Thái Nguyên (DDCI), điểm trung bình của chỉ số DDCI của các sở, ban, ngành năm 2023 là 86,62 điểm, tăng 0,02 điểm so với năm 2022./.