* Trong tuần qua, bên cạnh thông tin về các cuộc xung đột vũ trang, dư luận thế giới qua tâm nhiều đến sự kiện Bầu cử Mỹ 2024: Thống nhất quy tắc cho màn đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên; Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine mở đường cho đối thoại hòa bình với Nga; Tổng thống Nga nêu điều kiện ngừng bắn và đàm phán với Ukraine;…những thông tin về tình hình thiên tai: Chuyên gia dự đoán thế giới sẽ đối mặt với nắng nóng kỷ lục sau năm nóng lịch sử 2023; Trung Quốc gia hạn cảnh báo vàng về nắng nóng;…

- Ngày 16/6, hàng chục quốc gia tham dự hội nghị quốc tế mang tính bước ngoặt về hòa bình cho Ukraine nhất trí Ukraine nên đối thoại với Nga để chấm dứt xung đột, trong khi ủng hộ mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine. Ảnh: AFP

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, kết thúc hội nghị thượng đỉnh về Ukraine, thông cáo chung đã được đưa ra, trong đó đa số các quốc gia tham dự nhất trí về lập trường và các bước tiếp theo hướng tới tiến trình hòa bình trong tương lai. Có 80 trong tổng số hơn 90 nước tham dự đã ủng hộ tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị diễn ra ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ.

Thông cáo chung nêu rõ các bên tin rằng việc đạt được hòa bình cần có sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên, đồng thời tái khẳng định cam kết về "sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”. Thông cáo cũng hối thúc việc trao đổi những người bị bắt giữ và hồi hương những trẻ em bị trục xuất.

Một số quốc gia trong khối BRICS, cùng vài quốc gia khác, đã không ký vào tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ. Danh sách các quốc gia đã ký tuyên bố chung đã được ban tổ chức hiển thị trên màn hình của trung tâm báo chí tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Các nước Armenia, Bahrain, Brazil, Tòa thánh Vatican, Ấn Độ, Indonesia, Libya, Mexico, Saudi Arabia, Slovakia, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) không ký tuyên bố chung.

Phát biểu sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hội nghị đã đưa hòa bình đến gần hơn với Ukraine, nhưng hòa bình thực sự sẽ không đạt được trong một bước đi, mà con đường đó sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm.

Về phần mình, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đánh giá thông cáo chung từ hội nghị thượng đỉnh Bürgenstock là một tín hiệu mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế về hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Theo bà, kết quả của hội nghị thượng đỉnh ở Bürgenstock đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường đầy thử thách hướng tới nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraine.

Trước đó, quá trình thảo luận tập trung vào 3 chủ đề gồm an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và khía cạnh nhân đạo trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các chủ đề này được đánh giá giúp xây dựng lòng tin giữa các bên trong cuộc xung đột. Hơn nữa, đây là những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với nhiều quốc gia.

Trong 2 ngày qua, các quốc gia đã tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp khả thi. Bản thông cáo chung được phần lớn các quốc gia tham gia ủng hộ. Nội dung phản ánh mong muốn của các quốc gia trong việc đóng góp cho tiến trình hòa bình ở Ukraine. Các lập trường được đưa ra trong 3 lĩnh vực thảo luận tạo ra cơ sở tin cậy và nhắc tới nhu cầu cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới cuộc xung đột.

Theo đánh giá, đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh có quy mô như vậy. Sự tham gia rộng rãi từ mọi khu vực trên thế giới là biểu hiện của lòng tin cho Thụy Sĩ và có được là nhờ mạng lưới ngoại giao của nước này. Tổng thống Amherd nhấn mạnh Thụy Sĩ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, bà Amherd và Ngoại trưởng nước này Ignazio Cassis ca ngợi sự hợp tác với các quốc gia tham gia và bày tỏ lòng cảm ơn đối với các đối tác quốc tế và tất cả những người đã đóng góp vào sự kiện diễn ra suôn sẻ.

- Ngày 16/6, các hãng tin của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin không loại trừ khả năng đàm phán với Ukraine, nhưng yêu cầu phải đảm bảo độ tin cậy của bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vào ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo người phát ngôn Peskov, Tổng thống Putin nêu rõ Moskva sẽ ngay lập tức ngừng bắn và sẵn sàng đàm phán với Ukraine sau khi Kiev rút quân khỏi lãnh thổ thuộc các khu vực mới của Nga. Nhà lãnh đạo Putin cũng lưu ý đến sự hiện diện của các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

Người phát ngôn Peskov cho biết thêm rằng sáng kiến hòa bình của Tổng thống Putin nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine không phải là tối hậu thư mà là phản ứng với tình hình hiện tại trên chiến trường. Moskva cho rằng nếu đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân, một chính trị gia sẽ cân nhắc đề xuất như vậy. Ông Peskov nói thêm, các thỏa thuận là kết quả của các cuộc đàm phán phức tạp, cân bằng lợi ích và xem xét thực tế trên thực địa.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống đảm bảo an ninh trong tất cả các vấn đề khác. Thêm vào đó, ông khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không phải người phù hợp để ký các thỏa thuận bằng văn bản về vấn đề Ukraine, vì "điều này về mặt pháp lý là bất hợp pháp".

- Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ đối đầu trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, với micro có thể tắt tiếng. Các bên vận động tranh cử của ông Biden và ông Trump đã thống nhất về các quy định cho màn tranh luận này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo CNN, cuộc tranh luận sẽ diễn ra vào ngày 27/6 tới tại thành phố Atlanta, bang Georgia. Có 2 người dẫn chương trình và không có khán giả trong trường quay. Micro sẽ bị tắt tiếng trong suốt cuộc tranh luận, trừ khi ứng cử viên bật micro để phát biểu. Cũng theo quy định, hai ứng cử viên không được phép mang theo dụng cụ hỗ trợ hoặc mang theo ghi chú. Mỗi ứng cử viên chỉ được phát một cây bút, một tập giấy và một chai nước.

Trong khi cuộc tranh luận diễn ra, nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Biden hay ông Trump đều không được tương tác với ứng cử viên. Theo CNN, một số quy định của cuộc tranh luận này, bao gồm cả việc không có khán giả trong trường quay, sẽ khác biệt so với các cuộc tranh luận trước đây. Đài CNN cho biết những người điều phối chương trình là Jake Tapper và Dana Bash, cả hai đều là người dẫn chương trình tin tức nổi tiếng của CNN, "sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để đảm bảo thời gian và đảm bảo một cuộc tranh luận văn minh".

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã nhất trí về hai cuộc tranh luận trên truyền hình. Cuộc tranh luận thứ hai sẽ do Đài ABC tổ chức vào ngày 10/9 tới. Trước đó, những cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên này vào năm 2020 đã diễn ra căng thẳng.

* Trong tuần qua, từ ngày 10/6 đến 16/6, trong nước diễn ra một số sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận: Chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng XIV và tổng kết 40 năm đổi mới; Tưng bừng “hành trình đỏ” và tôn vinh những tấm gương hiến máu cứu người; Triển khai bán vàng miếng online; Công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc; Đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021; Kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines; Nghị quyết Chính phủ về việc tiếp phát sóng trực tiếp VCK EURO 2024; …

- Sáng 12/6, tại Phủ Chủ tịch, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã tổ chức phiên họp thứ ba.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ ba Ban chỉ đạo Tổng kết 40 năm đổi mới. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe công bố quyết định của Bộ Chính trị về kiện toàn, bổ sung thành viên và lãnh đạo của Ban Chỉ đạo; nghe báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới, đánh giá về nội dung, tiến độ và những kết quả đạt được cho đến nay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết và các bộ phận liên quan. Để bảo đảm chất lượng và tiến độ của công tác tổng kết 40 năm đổi mới, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục quán triệt các nguyên tắc, yêu cầu: Kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, bám sát các quan điểm và nội dung Cương lĩnh chính trị của Đảng, tuân thủ những quy định của Hiến pháp. Nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng phù hợp, sáng tạo những thành tựu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia tiên tiến và những quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam vào việc phát triển, hoàn thiện lý luận về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Chủ tịch nước, cần phải kế thừa kết quả các lần tổng kết 20 năm, 30 năm đổi mới, tổng kết quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; bám sát các nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, nhất là các kỳ đại hội gần đây và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XII, XIII; bám sát tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kết luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 và trong các sách, bài viết, bài nói gần đây.

Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục huy động sự tham gia nhiều nhất để phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ lãnh đạo quản lý có nhiều kinh nghiệm, các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào công tác tổng kết.

- Nhân dịp ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu (14/6), từ ngày 13-15/6, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức Chương trình thường niên “Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc” năm 2024.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đại biểu người hiến máu tình nguyện

Tại Hà Nội, Hà Nam, Lai Châu, Quảng Nam, Tiền Giang, Đồng Tháp…, các địa phương đã tổ chức các Ngày hội hiến máu và tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2024.

Đặc biệt, ngày 14/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp mặt, động viên 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Chủ tịch Quốc hội biểu dương toàn thể những người tình nguyện hiến máu trong cả nước, cảm ơn những tấm lòng nhân ái, đầy tình yêu thương trong cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; hoạt động của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học ­- Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được phong trào hiến máu tình nguyện đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương và góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu; lan toả những tấm gương hiến máu cứu người, ứng dụng chuyển đổi số, tạo liên thông giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu; rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu…

Tại Việt Nam, sau 30 năm chính thức phát động phong trào hiến máu (24/1/1994 - 24/1/2024), toàn quốc đã vận động và tiếp nhận trên 21,3 triệu đơn vị máu..

Nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, như: “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết” và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Ðỏ; “Chiến dịch những giọt máu hồng - hè” và Hành trình Ðỏ… Cả nước đã thành lập được 4.530 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 153.170 thành viên tham gia. Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

- Ngày 14/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về việc tiếp phát sóng truyền hình trực tiếp vòng chung kết giải bóng đá EURO 2024.

Chú thích ảnh
Các cầu thủ Đức và Scotland hát quốc ca tại Lễ khai mạc EURO 2024 trước khi bắt đầu trận đấu. Ảnh: Phương Hoa/Pv TTXVN tại Đức

Theo đó, Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 52/TTr-BTTTT ngày 13/6/2024 về việc tiếp phát sóng truyền hình trực tiếp vòng chung kết giải bóng đá EURO 2024.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan giám sát việc triển khai thực hiện phát sóng của các đài phát thanh, truyền hình, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền bảo đảm đúng điều kiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất, kiến nghị.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 71 khóa XX; Lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên trao giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng; Triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai năm 2024;…

- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 71 khóa XX

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào 25 nội dung quan trọng
Toàn cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 71, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thảo luận về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy lần thứ 71, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,03% so với cùng kỳ; các chỉ tiêu thu ngân sách, xuất, nhập khẩu cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5% còn rất nhiều khó khăn, tđể đạt mức này thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,75% trở lên, nhiệm vụ này cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị .Cùng với thảo luận tình hình KTXH, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến đối với các nội dung trình tại Kỳ họp thứ mười chín, HĐND tỉnh khóa XIV cùng một số nội dung quan trọng khác như Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chủ trương điều chỉnh, bổ sung danh mục một số dự án trên địa bàn tỉnh.../.

- Ban Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng vừa tổ chức tổng kết và trao giải Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ I năm 2024. Đây là giải báo chí đầu tiên của Thái Nguyên với quy mô cấp tỉnh

Tổng kết và trao giải Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ I năm 2024
Ban Tổ chức đã lựa chọn được 37 tác phẩm tiêu biểu xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải A

Trải qua vòng Sơ khảo và Chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 37 tác phẩm tiêu biểu xuất sắc để trao giải. Trong đó có 4 giải A, 7 giải B, 11 giải C và 15 giải Khuyến khích. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm được chọn trao giải có chất lượng khá đồng đều, đề tài phong phú. Các tác phẩm tập trung phản ánh sinh động, khách quan, chân thực về thành tựu, mô hình tiêu biểu, cách làm đột phá, sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Các tác phẩm viết về xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có tính phát hiện, mang tính phản biện cao, có nhiều bài học tốt trong tác phẩm, thể hiện vai trò của Đảng và đảng viên. Đáng chú ý, nhiều tác phẩm có tính phát hiện, nêu lên được những vấn đề thời sự, vấn đề mới từ thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng là sự công nhận, khẳng định, tôn vinh những giá trị nghề nghiệp, minh chứng cho sự cống hiến, lao động, sáng tạo, không ngừng nghỉ của những người làm báo./.