Để kinh tế tập thể phát triển bền vững
Toàn tỉnh hiện có 718 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực với gần 120 nghìn thành viên |
Xuất phát từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, sau gần 5 năm thành lập, đến nay, HTX Trà Sơn Dung đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop 4 sao. Được sự hỗ trợ của liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, HTX đã có thêm nhiều cơ hội khẳng định được thương hiệu của mình.
Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, TP Thái Nguyên cho biết: "HTX chúng tôi được hỗ trợ về vốn, tạo cơ hội tham gia các hội chợ từ đó giúp HTX được quảng bá sản phẩm của mình nhiều hơn."
Thời gian qua, nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Đặc biệt, HTX đã khẳng định được vai trò trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, từ đó nông dân đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Sau hơn 3 năm thực hiện OCOP, đến nay Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ocop với 2 sản phẩm được chứng nhận 5 sao cấp quốc gia, trong đó, số sản phẩm ocop của các HTX chiếm tới hơn 95%. Cũng nhờ đó, tư duy trong sản xuất của nông nghiệp của nông dân đã thay đổi.
Chị Phan Thị Hương Ly, HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Từ lúc tham gia hợp tác xã tư duy sản xuất của tôi đã thay đổi và phát triển hơn. Việc trồng và chế biến chè cũng có nhiều thay đổi giúp tăng thu nhập cho gia đình."
Thực hiện các giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa nội dung về phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Quy mô HTX còn nhỏ; số HTX sử dụng công nghệ tiên tiến còn ít; sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa cao; sự liên kết giữa các HTX với nhau và với các doanh nghiệp còn yếu…
Ông Trịnh Văn Thắng, Hợp tác xã Chè Cầu Đá, huyện Đại Từ cho biết: "Ngày đầu mới thành lập gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn chưa thực sự ủng hộ. Việc thực hiện quy trình mới cho bà con trong HTX vẫn còn ít chưa được nhiều."
Toàn tỉnh hiện có 718 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực với gần 120 nghìn thành viên và người lao động, thu nhập bình quân của các xã viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/ tháng. Giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên chú trọng đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX với hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực. Cùng với đó là sự phối hợp, quan tâm vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong việc hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Liên minh HTX đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm phát triển 3 đến 4 HTX. Liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu và duy trì thương hiệu của các HTX."
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì mỗi thành viên HTX cũng cần phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể trước đây, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của HTX kiểu mới trong nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đảm bảo nhu thu nhập, kinh tế của chính những xã viên./.