Đại án Oceanbank: Đang tuyên án Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn
Sau 5 ngày nghỉ nghị án, sáng 29/9, Tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Hôm nay, Tòa án Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đổi với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank và các cựu cán bộ ngân hàng, cựu giám đốc chi nhánh phòng giao dịch của Oceanbank, cựu lãnh đạo Công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm.
HĐXX phiên tòa đại án Oceanbank |
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS Nhân dân Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết, trong khoảng thời gian từ 2009 - 2014, quá trình hoạt động kinh doanh tại Oceanbank đã xảy nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, vi phạm các quy định về cho vay…
Chính những sai phạm này dẫn đến nợ xấu của Oceanbank thời điểm 31/3/2014 là hơn 14.900 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.100 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/5/2015, NNHH quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương.
Hậu quả trên đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Nguyên nhân là do hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhiều đối tượng trong ban điều hành, lãnh đạo các khối nghiệp vụ ở hội sở, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch và các đối tượng có liên quan khác.
Hà Văn Thắm được dẫn giải lên tòa sáng nay. |
Với nhận định trên, người thực hành quyền công tố khẳng định, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội đúng pháp luật. Hành vi chi lãi ngoài hơn 1.576 tỷ đồng của các bị cáo phạm các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản.
Ngoài ra, việc để Oceanbank thất thoát 500 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với nhận định trên, cơ quan công tố đề nghị Hà Văn Thắm mức án Chung thân cho 4 tội danh; Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh; cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu bị đề nghị 20-24 năm tù giam cho hai tội danh.
Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng tại hội sở bị đề nghị mức án từ 3 năm tù đến 24 năm tù giam.
Riêng đối với các bị cáo là giám đốc chi nhánh và phòng giao dịch, luận tội của VKS đề nghị mức án thấp nhất là 18 tháng tù treo cao nhất là 42 tháng tù giam, nhưng trong phần tranh luận, VKS thay đổi quan điểm đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Việt Hà – cựu GĐ Chi nhánh Thái Bình, Nguyễn Phan Trung Kiên – cựu GĐ Phòng giao dịch Đông Đô, Nguyễn Thị Loan – cựu GĐ Phòng giao dịch Trung Yên và Trần Anh Thiết – cựu GĐ Chi nhánh Hà Nội.
Trong phần bào chữa, quan điểm của Hà Văn Thắm và một số bị cáo liên quan đến số tiền thiệt hại 1576 tỷ đồng, cho rằng, Oceanbank không thiệt hại. Về tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Thắm cho rằng vai trò mình nếu có rất mờ nhạt. Trong khi đó, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng mình không phạm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo trong vụ án này đều nhận thức việc chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi ngân hàng là sai với Thông tư 02 của NHNN quy định về chi lãi suất ngoài hợp đồng, tuy nhiên họ cho rằng bối cảnh lạm phát thời điểm đó buộc họ phải chi lãi ngoài. Bên cạnh đó, họ nhận thức rằng, việc chi lãi ngoài hợp đồng chỉ ở mức vi phạm hành chính.
Đối với khoản tiền 500 tỷ đồng bị thất thoát liên quan khoản vay của Công ty Trung Dung, VKS đề nghị, bị cáo Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền này….
Hiện chủ tọa thẩm phán Trần Nam Hà bắt đầu công bố bản án./.