Cô gái trẻ mất thị lực, đau nửa đầu sau tiêm filler làm đầy mũi
TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân đến quá trễ sau tai biến tiêm filler. Căn nguyên là ngay sau tiêm đã có dấu hiệu nhưng bệnh nhân không được xử lý đúng. Trong thời gian xử lý và trở về Việt Nam đã là ngày thứ 7 sau tiêm, nên rất khó khăn để có thể giữ được mắt phải cho bệnh nhân.
Theo TS Hà, tiêm filler ngày nay là sự lựa chọn của rất nhiều chị em phụ nữ muốn làm đẹp, bởi nó mang lại hiệu quả, chi phí hợp lý và can thiệp nhẹ nhàng. Khi tiêm vào các nếp nhăn sẽ khiến làn da nhanh chóng trở nên căng bóng, hoặc tạo hình khối thẩm mỹ ưng ý trên gương mặt mà không cần sử dụng đến dao kéo, như tạo hình mũi, làm đầy môi.
Đây là phương pháp làm đẹp nhanh, tức thì, không cần đến phẫu thuật yêu cầu khoảng thời gian ngắn tầm 1 giờ tính cả khi bôi tê. Sự thay đổi diễn ra ngay lập tức sau khi tiêm filler, thời gian duy trì tác dụng tùy theo sản phẩm và theo cơ địa từng người.
Hiện nay có một số sản phẩm tiêm filler đã được cấp phép đảm bảo tính hiệu quả và an toàn tuy nhiên có rất nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.
Đặc biệt, TS Hà cảnh báo mạnh mẽ, tiêm filler là một kỹ thuật cần được thực hiện bài bản, bởi bác sĩ có tay nghề. Vì một mũi tiêm filler tưởng như đơn giản lại cực nguy hiểm bởi sai kỹ thuật sẽ có nguy cơ để lại nhiều biến chứng. Như cô gái trẻ trên tiêm filler xong đã có ngay dấu hiệu mất lực mắt phải do tắc mạch.
Cùng quan điểm này, TS.BS. Phạm Cao Kiêm, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho rằng tất cả các filler khi tiêm đều có thể gây biến chứng, nhưng biến chứng đó phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ.
Với bác sĩ có tay nghề cao, khả năng bị biến chứng rất ít. Ngoài ra, vấn đề biến chứng cũng phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân. Với bệnh nhân đang có vấn đề ở mũi như viêm nhiễm, chảy máu vẫn tiêm filler sẽ dễ để lại biến chứng.
TS Kiêm cũng bày tỏ băn khoăn không hiểu sao chị em lại dễ dàng "phó mặc" sắc đẹp của mình cho spa, để có thể tiêm filler một cách dễ dàng. Bởi tiêm filler nhìn qua thì tưởng rất dễ dàng, nhưng để tiêm đúng cách nhằm không gây ra biến chứng lại không phải chuyện dễ.
"Theo quy định, một bác sĩ để được tiêm chất làm đầy cho bệnh nhân, bác sĩ đó phải được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ. Không phải cứ thấy người ta tiêm là mình cũng tiêm, dễ xảy ra biến chứng do không hiểu giải phẫu, không hiểu chỉ định tiêm", TS Kiêm nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ. "Không phải cứ thấy người ta tiêm là mình cũng tiêm, dễ xảy ra biến chứng do không hiểu giải phẫu, không hiểu chỉ định tiêm", TS Kiêm nhấn mạnh. Qua trường hợp này, TS Hà cảnh báo, nhu cầu làm đẹp là tất yếu với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chị em hãy là người phụ nữ thông thái, lựa chon các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp an toàn. Bạn phải đảm bảo biết được người tiêm filler phải là người bác sỹ chuyên gia về tạo hình thẩm mỹ da liễu, có chứng chỉ hành nghề.
Chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.