Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đã có nhiều ý kiến chuyên gia bàn về vấn đề này.

Chương trình mới, cách làm cũ

Tại hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông do Viện Khoa học Tâm lý giáo dục tổ chức mới đây, TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến tỏ ra rất quan ngại về việc Bộ đã đưa ra chương trình mới, nhưng cách kiểm tra đánh giá vẫn chưa thực sự mới. Trong khi đó Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng năng lực, phẩm chất cho người học. Do đó, không nên quá tập trung vào kết quả mà cốt lõi phải chú trọng hơn nữa vào quá trình học. “Trong dự thảo, chúng tôi không thấy sự đổi mới trong cách đánh giá”, TS Tiến lo ngại.

chuong trinh gdpt tong the van la binh moi ruou cu
TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nói về chương trình giáo dục phổ thông mới.

TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng trong dự thảo chưa làm rõ được chuẩn đầu ra “sản phẩm” của quá trình đào tạo (learning outcomes) theo chương trình mới là gì. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khung chương trình quốc gia, thì việc xác định chuẩn đầu ra là rất cần thiết. TS Tiến cũng nhấn mạnh, việc xác định chuẩn đầu ra của bậc phổ thông phải được xây dựng tương thích với khung chương trình quốc gia hiện nay. “Cần làm rõ chất lượng đầu ra của chương trình, để dù là chính quy hay không, chỉ cần đạt những tiêu chuẩn đó sẽ được công nhận hoàn thành chương trình phổ thông”.

Hướng nghiệp vẫn mơ màng

Nhận xét về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho rằng chúng ta đang bàn nhiều về mục tiêu, định hướng, về cuộc công nghiệp 4.0, nhưng lại chưa trả lời được câu hỏi của học sinh, phụ huynh về việc các em có thể tự lập kiếm sống hay không.

TS Phương góp ý ban soạn thảo cần đề cập việc học sinh lớp 9, lớp 12 phải có năng lực tự lập, đây là điều quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của các em.

chuong trinh gdpt tong the van la binh moi ruou cu
TS Lê Đông Phương chỉ ra những thiếu sót trong nội dung hướng nghiệp của dự thảo Chương trình GDPT mới.

“Chương trình lần này có những tiến bộ hơn khi đã nhiều lần đề cập tới việc lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng sự định hướng nghề nghiệp vẫn theo những khuôn mẫu cũ. Hướng nghiệp là dạy những gì về khoa học, công nghệ, thế là đủ, trong khi đó, khoa học tâm lý và khoa học giáo dục đều khẳng định hướng nghiệp phải có các giai đoạn cụ thể, từ tìm hiểu, lựa chọn kế hoạch, xây dựng những bước tiếp theo để hoàn chỉnh sự nghiệp. Điều này vẫn chưa có trong dự thảo”, TS Phương chỉ rõ.

TS Lê Đông Phương chỉ ra rằng, thực tế hết bậc THCS, học sinh đã có thể theo học các trường nghề, nhưng việc hướng nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả, do vậy, xưa nay hầu hết các em đều cố thi cho được THPT, đại học mà không quan tâm đến cơ hội việc làm sau này.

Do đó, TS Phương khuyến nghị rằng: “Cần tách riêng phần hướng nghiệp chứ không nên lồng ghép vào các môn học trong chương trình. Tổ chức cho các em làm trắc nghiệm về tính cách, năng lực, căn cứ vào điều kiện gia đình, xã hội để từ đó giúp các em lựa chọn được nghề nghiệp về sau”.

Cùng bàn về nội dung này, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch, Tổng giám đốc DTT, sáng lập Học viện STEM cho rằng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vẫn sai về mặt tư duy, chưa phù hợp để học sinh làm việc linh hoạt trong tương lai.

Đào tạo linh hoạt theo tín chỉ, hướng tới những kỹ năng phục vụ việc làm, đổi mới hướng đào tạo, đổi mới đào tạo theo phương thức thực học thực làm và đào tạo để đội ngũ giáo viên thoát khỏi sự trì trệ thông qua phương hợp tác công-tư trong giáo dục được coi là những chìa khóa để mở ra thế hệ nhân lực mới trong thời đại 4.0.

"Mặc dù chương trình mới có sự phát triển khi mở ra một số môn học tự chọn, tuy nhiên, nó vẫn được xây dựng dựa trên tư duy cai trị chứ không phải tư duy kiến tạo, phục vụ" - ông Trung nói.

Ông Trung cho rằng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể chưa đưa ra được những cải tiến mang tiến đột phá thì rất khó để có thể thành công./.