Chưa thỏa mãn với lệnh trừng phạt Triều Tiên, Mỹ có thể làm gì?
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan đến các vụ thử hạt nhân và tên lửa vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley dù thừa nhận đây là gói trừng phạt kinh tế lớn nhất, nặng nề nhất cho tới nay nhằm vào Bình Nhưỡng, vẫn cho rằng như thế là chưa đủ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ủng hộ lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Tuyên bố đó cho thấy chính giới Mỹ nhìn chung chưa thỏa mãn với các biện pháp này. Nhưng câu hỏi đặt ra là Washington muốn đẩy các biện pháp đối phó với Triều Tiên đi xa tới đâu?
“Áp lực cực đại” với Triều Tiên
Trong một bình luận trên CNN mới đây, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Colorado Cory Gardner cho rằng, Tổng thống Donald Trump cần phải có bước tiến tiếp theo trong cái mà ông gọi là cách tiếp cận “gây áp lực cực đại”.
Theo ông Gardner, cần phải có một lệnh cấm vận kinh tế toàn diện đối với Triều Tiên dưới dạng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tất cả các nước trên thế giới phải cắt đứt mọi mối liên hệ tài chính và thương mại với Triều Tiên, trừ một số ngoại lệ cực kỳ hạn chế để phục vụ công tác viện trợ nhân đạo, cho tới khi nào Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện cam kết quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa một cách hòa bình.
Tháng trước, chính ông Gardner đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm mọi thực thể “làm ăn” với Triều Tiên hay để cho các cá nhân, tổ chức ở Bình Nhưỡng có thể sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ. Theo ông, lệnh trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ là bước đầu.
Tuy nhiên, như tất cả các nỗ lực từ trước đến nay của Mỹ nhằm tạo sức ép với Triều Tiên, sự hợp tác của Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, là yếu tố không thể không tính tới.
Thay vì đặt vấn đề theo hướng cải thiện quan hệ với Trung Quốc để khuyến khích nước này gây áp lực với Triều Tiên như Tổng thống Donald Trump thực hiện thời gian qua, ông Gardner cho rằng Mỹ cần phải đảo ngược lại rằng, mối quan hệ với Washington phụ thuộc vào việc Bắc Kinh sẽ làm những gì để ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển hạt nhân và thử tên lửa.
Nói cách khác, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa này cho rằng, Trung Quốc phải chọn lựa giữa Washington và Bình Nhưỡng, rằng nếu còn dung túng cho Triều Tiên thì sẽ không được tiếp tục “làm ăn” với Mỹ.
Cùng với đó, Mỹ sẽ tiếp tục phô diễn sức mạnh quân sự sát sườn với Triều Tiên bằng hàng loạt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, coi đây là thông điệp tiếp tục răn đe nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng trong trường hợp các biện pháp kinh tế và ngoại giao thất bại, năng lực quân sự của 3 nước đồng minh có thể dập tắt tham vọng của Bình Nhưỡng.
Tất nhiên, Thượng nghị sỹ Gardner cũng đề cập khả năng đàm phán với Triều Tiên song nhấn mạnh rằng, Mỹ chỉ làm điều đó khi ở trên cơ và chỉ khi Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa.
Phát biểu sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh, đối thoại là việc làm hết sức cần thiết để giải quyết vấn đề “phức tạp và nhạy cảm” hiện trong “giai đoạn giao thoa quan trọng” này. Ông cho rằng, các lệnh trừng phạt không phải là giải pháp dù đây là phản ứng đúng đắn sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ẩn số Trung Quốc
Tuy nhiên, đề xuất đối thoại của Trung Quốc đặt ra yêu cầu cho cả Mỹ và Triều Tiên, trong đó Washington phải dừng các cuộc tập trận chung song song với việc Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp QuốcNikki Haley ngày 5/8 đã bác bỏ đề xuất này.
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho ngày 6/8 để trao đổi. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân mật, thể hiện qua việc ông Ri Yong Ho cười nói và bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc trong khi ông Vương Nghị đặt tay lên vai người đồng cấp Triều Tiên khi cả 2 tiếng vào phòng hội đàm.
“Chúng tôi thực sự đã có cuộc nói chuyện thấu đáo”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết. “Trung Quốc đã kêu gọi Triều Tiên bình tĩnh xử lý các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua và không làm bất cứ điều gì không có lợi cho cộng đồng quốc tế, chẳng hạn như tiến hành thử hạt nhân”.
Ông Vương Nghị không chia sẻ thêm về những gì ông Ri Yong Ho đã nói trong cuộc hội đàm song phương. Nhưng trước đó ông Vương Nghị cho rằng việc Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hôm nay (7/8) tại Manila, Philippines, là một bước tiến quan trọng để ông Ri “có thể lắng nghe gợi ý từ nhiều bên và có quyền trình bày quan điểm của Triều Tiên”.
Hiện chưa rõ ông Ri có kế hoạch gặp các Ngoại trưởng khác ở Manila dịp này không song Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha đã bày tỏ hy vọng 2 nhà ngoại giao hàng đầu trên bán đảo Triều Tiên có thể tiếp xúc.
Bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh đã nhận ra được sức nặng của tình hình hiện nay nhưng mọi chuyện phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đảm bảo các lệnh trừng phạt đó được thực thi hay không.
Mỹ - Hàn, cây gậy và củ cà rốt
Nếu như Mỹ định tiếp tục tỏ ra cứng rắn với quan điểm không chịu ngừng tập trận và chưa thỏa mãn với các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên thì cần phải có ai đó ngoài Trung Quốc chìa bàn tay ra với Bình Nhưỡng, tạo một kênh đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để giải quyết vấn đề này. Đó chính là Hàn Quốc.
Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Joel Wit, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, nhà đồng sáng lập trang web 38 North chuyên quan sát và nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên cho rằng, “chính sách Ánh dương” của cố Tổng thống Kim Dae-jung đối với Bình Nhưỡng không phải là một thất bại như một bộ phận chính giới Mỹ - Hàn vẫn nghĩ.
Sau khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền, một luồng dư luận tại Hàn Quốc đã kêu gọi ông vươn lên nắm thế chủ động trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên thay vì để Mỹ làm điều đó bao lâu nay.
Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ Joel Wit cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc nên luân phiên “cầm cương” trong vấn đề này. Mỹ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề liên quan đến ngăn chặn những mối đe dọa từ Triều Tiên trong khi Hàn Quốc sẽ chủ trì những vấn đề khác liên quan đến việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Cũng theo ông Joel Wit, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đã có những tín hiệu kín đáo cho thấy nước này sẵn sàng đối thoại nhưng vì nhiều lý do mà dường như Mỹ đọc được thông điệp đó khá muộn màng. Hậu quả là tình hình trên bán đảo Triều Tiên leo thang đến mức độ như hiện nay.
Trong bối cảnh Mỹ - Hàn theo lịch sẽ tiến hành tập trận chung trong tháng này, bên cạnh lệnh trừng phạt quốc tế và động thái từ phía Trung Quốc, quyết định của 2 nước, như điều chỉnh quy mô, hoãn tập trận… sẽ là tín hiệu đầu tiên góp phần cho sự chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên sau thời gian dài căng thẳng leo thang./.