Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng: Bức tranh giáo dục tương lai thuộc về các hệ thống lớn
Xin ông vui lòng cho biết điểm khác biệt lớn nhất khi thay đổi sang mô hình Tổ chức giáo dục FPT với định hướng chiến lược mới là gì?
TS. Lê Trường Tùng: Quy tắc 80:20 (20% đối tác cung ứng 80% khối lượng dịch vụ) chi phối rất nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Ngay ở Việt Nam cũng có thể quan sát thấy - chẳng hạn sữa cũng chỉ có vài nhãn hiệu tiếng tăm (Vinamilk, TH Milk), Internet do vài nhà cung cấp (VDC, Viettel, FPT Telecom), cũng chỉ có vài nhà cung ứng dịch vụ thoại di động (Viettel, Vinaphone, Mobiphone)… Hiện tượng này chưa thấy trong giáo dục. Mỹ chẳng hạn, có thương hiệu nào hay (Apple, Facebook, McDonald, Walmart…) là triển khai ra toàn quốc, toàn cầu ngay, nhưng nổi danh như ĐH Harvard sau hơn 300 năm phát triển vẫn chỉ có một trường, ở một thành phố.
Tuy nhiên bức tranh giáo dục đang thay đổi nhanh chóng. Chúng tôi nhìn thấy tương lai sẽ thuộc về các hệ thống giáo dục lớn, còn các trường riêng lẻ thì hoặc theo mô hình tinh hoa “nhỏ và đẹp”, còn lại thì muốn phát triển thì hoặc gia nhập vào hệ thống lớn, hoặc tự tạo lập một hệ thống lớn của riêng mình. Việc chuyển đối hoạt động giáo dục đào tạo của FPT – từ thương hiệu Đại học FPT (FPT Univeristy) – sang thương hiệu Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) – là theo xu thế này.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch ĐH FPT. |
Thay đổi lớn nhất là trước đây, hầu hết các hoạt động giáo dục đào tạo của FPT đều triển khai dưới cái ô của ĐH FPT, thì nay sẽ dưới cái ô rộng hơn là Tổ chức Giáo dục FPT, trong đó ĐH FPT là một thành viên. Việc tuyên bố chiến lược vào thời điểm cuối năm 2016 thực tế là nằm trong lộ trình phát triển đã đặt ra từ nhiều năm trước: 5 năm để ĐH FPT có tên tuổi trong đội hình các trường đại học Việt nam, 5 năm đưa tên ĐH FPT ra thế giới, và giờ chuyển sang giai đoạn 3, đó là phát triển FPT Education thành một hệ thống các trường đa ngành, đa trình độ, đa phân khúc, đa địa điểm và đa phương thức, trong đó ĐH FPT là một hạt nhân quan trọng.
Việc hình thành một Tổ chức Giáo dục với định hướng thống nhất sẽ đem lại lợi ích thiết thực gì cho học sinh, sinh viên, học viên hiện đang theo học tại các khối đào tạo trong tổ chức, thưa ông?
TS. Lê Trường Tùng: Làm lớn, làm tập trung sẽ giảm được chi phí, trên cơ sở đó có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Làm lớn cũng cho phép làm những việc mà ở quy mô nhỏ, quy mô một trường không làm được hoặc làm rất tốn kém, đặc biệt trong các hoạt động quốc tế hóa- toàn cầu hóa và nghiên cứu phát triển.
Người học của FPT từ nay không đơn thuần chỉ là học sinh, sinh viên, học sinh của một trường thành viên, mà còn là học sinh, sinh viên, học viên của FPT Education, họ sẽ được hưởng lợi chung từ hệ thống một cách dễ dàng – chẳng hạn học từ cấp độ này chuyển sang cấp độ khác với học phí ưu đãi và có điều kiện chuyển đổi tín chỉ, được công nhận những gì đã học để không phải học lại. Trở thành hệ thống lớn cũng thuận lợi hơn trong việc đầu tư lớn, tạo quy mô hoạt động lớn, lôi kéo được các tài năng quản lý và giảng dạy trong và ngoài nước. Tất cả những điều này mang lại ích lợi trực tiếp cho người học.
Trước đây, ĐH FPT vẫn bao gồm các khối từ trung học đến sau đại học và liên kết hợp tác quốc tế. Vậy với chiến lược phát triển Mega “5 đa”, liệu Tổ chức Giáo dục FPT sẽ có sự khác biệt nào về số lượng cấp học như mở rộng thêm bậc tiểu học, trung học cơ sở… hay không?
TS. Lê Trường Tùng: Có thể hiểu rằng trước đây, các khối này được sinh ra trong lòng ĐH FPT, được ươm tạo tại ĐH FPT, giờ thì ra “ở riêng”. Sẽ có thêm nhiều thành viên mới theo chiến lược Mega, sẽ có các cấp học từ mẫu giáo đến sau đại học, có nhiều ngành nghề đào tạo đa dạng đáp ứng như cầu xã hội (chẳng hạn ĐH FPT tại Cần thơ sẽ tập trung đào tạo Nông nghiệp Kỹ thuật cao, ĐH FPT tại Đà nẵng sẽ tập trung vào lĩnh vực Du lịch, Văn hóa, Ngoại ngữ, tại Hà nội và tp HCM sẽ tập trung vào công nghệ và kinh doanh…). Cùng một loại hình trường sẽ có nhiều phân khúc, chẳng hạn bán trú, ngoại trú, giá cao, giá thấp…, hoặc đào tạo theo các phương thức khác nhau như học tại cơ sở, học theo mô hình trực tuyến… Các trường thành viên mới sẽ do FPT tự tạo lập, FPT phối hợp với các đối tác khác cùng tạo lập, hoặc thông qua hoạt động liên kết, mua bán-sáp nhập.
Như ông chia sẻ, chiến lược toàn cầu hóa của Tổ chức Giáo dục FPT sẽ được triển khai đồng nhất và có hệ thống ở mọi cấp học. Chiến lược này sẽ được hiện thực hóa ra sao đối với các khối ngoài đại học như phổ thông hay cao đẳng?
TS. Lê Trường Tùng: Tầm nhìn của Tổ chức Giáo dục FPT là “nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học”. Việc này sẽ phải làm ở tất cả các cấp học kể cả phổ thông, từ việc tăng cường dạy và học ngoại ngữ, sử dụng giáo trình quốc tế, tăng cưởng liên kết với các trường quốc tế, thực hiện mạnh việc trao đổi học sinh sinh viên, trao đổi giảng viên, và tuân thủ các chuẩn quốc tế vể học thuật, quản trị và kiểm định. Hiện nay các giáo trình quốc tế đã được đưa vào khối phổ thông, cao đẳng, Mục tiêu trước mắt là mỗi học sinh, sinh viên, học viên được đi nước ngoài theo hình thức trao đổi học sinh - sinh viên ít nhất một lần trong khóa học.
Hoạt động toàn cầu hóa, quốc tế hóa của Tổ chức Giáo dục FPT trong giai đoạn tiếp theo sẽ có những thay đổi gì so với giai đoạn 10 năm 2006-2016?
TS. Lê Trường Tùng: Với riêng ĐH FPT, chúng tôi đặt mục tiêu sau 18 tháng nâng từ 2 saolên 3 sao với tiêu chí Quốc tế hóa (Internationalization) theo đánh giá xếp hạng chuẩn QS Star. Ngoài việc nâng hạng và tham gia kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế, liên kết đào tạo và nghiên cứu, tuyển sinh viên nước ngoài sang Việt nam học dài hạn, hiện diện tại một số quốc gia theo các hình thức khác nhau, chúng tôi cũng đẩy mạnh triển khai 3 dự án lớn.
Thứ nhất, biến thành phố Đà nẵng thành trung tâm Xuất khẩu Giáo dục với việc triển khai Trung tâm Trao đổi Sinh viên quốc tế tại đây, để Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ trở thành điểm đến thường xuyên trong các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của các trường đại học trong Top 500 và các trường QS 3 sao trở lên. Thứ hai, tăng mạnh giảng viên/giáo viên nước ngoài trong các hệ đào tạo của trường, kể cả cán bộ quản lý thông qua các chương trình tuyển dụng giảng viên quốc tế trực tiếp tại nước ngoài. Thứ ba, đảm bảo 100% sinh viên học sinh tham gia chương trình học tập theo hình thức trao đổi ngắn hạn với các trường đối tác tại các nước.
Với việc bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Thành, người đã có bề dày kinh nghiệm về triển khai giáo dục tại Tập đoàn FPT, trở thành Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016-2021 của ĐH FPT, lãnh đạo Tổ chức giáo dục FPT mong đợi gì ở vị hiệu trưởng này?
TS. Lê Trường Tùng: Thế mạnh của ông Nguyễn Khắc Thành là đã từng tham gia khởi tạo thành công nhiều định hướng hoạt động quan trọng của FPT – từ việc xây dựng các hệ thống phần mềm lớn trong những năm 90 bán được cho các đối tác lớn ở Việt nam và nước ngoài, tới việc triển khai Aptech từ con số 0 thành một hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế lớn nhất Việt nam, tham gia định hình và phát triển ĐH FPT trong 8 năm đầu tiên, và trong 2 năm đã xây dựng Tập đoàn FPT thành một Tổ chức Học hỏi (Learning Organization) theo một mô hình dạy và học hợp ký. Ông Nguyễn Khắc Thành là “dân toán”, học toán từ phổ thông đến đại học và sau đại học tại các trường đào tạo nổi tiếng – và chúng tôi tin dân toán nếu muốn thì sẽ làm được nhiều việc lớn.
Ra mắt ngày 25/11/2016, Tổ chức Giáo dục FPT được định hướng là một hệ thống các trường thuộc các khối đào tạo khác nhau từ cấp trung học phổ thông, cao đẳng thực hành, đại học và sau đại học, các khối liên kết và trao đổi sinh viên quốc tế. Chiến lược phát triển của Tổ chức Giáo dục FPT là trở thành hệ thống giáo dục với tiêu chí Mega “5 đa”, bao gồm đa trình độ, đa ngành, đa phân khúc, đa phương thức và đa vị trí.
Ngoài thương hiệu Đại học FPT, Tổ chức Giáo dục FPT cũng sẽ ứng dụng các triết lý đào tạo đồng nhất và có hệ thống đối với toàn bộ các đơn vị, các trường trực thuộc trên cơ sở bám sát các mục tiêu như đào tạo gắn với tính thực tiễn, theo nhu cầu doanh nghiệp, toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục.