Cảnh báo bệnh lao ở tuổi thanh thiếu niên
Bác sĩ khám cho nam bệnh nhân mắc lao trẻ tuổi. |
Bệnh lao không chừa một ai
T.L kể lại, em có biểu hiện ho kéo dài từ tháng 2 năm nay. Sau một đợt uống thuốc điều trị, L. hết ho nhưng khi ngưng ngưng sử dụng thuốc thì ho lại tái phát. Tháng 5, T.L đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện bệnh liên quan đến phổi nên được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị.
Điều mà L. lo lắng nhất là em không biết mình bị lây lao từ đâu. L. được chỉ định dùng thuốc điều trị lao, nhưng phải mất thời gian do gặp tác dụng phụ của thuốc gây ra men gan tăng cao, em mới có thể trở lại điều trị. Phác đồ điều trị dành cho L. kéo dài 6 tháng, nhưng L. không tránh được tổn thương có dải xơ phổi.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng ghi nhận trường hợp 4 bạn sinh viên ở trọ cùng nhau và dần dần cả 4 người đều lây bệnh lao. Bạn đầu tiên đến khám có các triệu chứng mệt mỏi, sút cân, ho nhiều, xét nghiệm thì có vi khuẩn lao dương tính. Sau đó, các bác sĩ khuyến cáo nên sàng lọc những người ở cùng thì phát hiện 3 bạn còn lại cũng mắc lao. Theo các bác sĩ, trường hợp này có thể do sức đề kháng hoặc do không gian sống chưa được thông thoáng, thiếu ánh sáng dẫn tới lây nhiễm bệnh lao cho cả phòng trọ.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao, tuy nhiên không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Vi khuẩn lao khi ở trong cơ thể sẽ không sinh trưởng được vì hệ miễn dịch đã bảo vệ cơ thể. Thực tế có những người nhiễm lao suốt đời nhưng không thành bệnh lao.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Thủy. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Thủy (Khoa Lao-Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương), tất cả mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc lao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.
Có 2 yếu tố nguy cơ khiến nhiễm lao thành bệnh lao, đó là số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của mỗi người. Khi số lượng vi khuẩn nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể người không thể chống đỡ được thì sẽ từ nhiễm thành bệnh.
Do đó, những người có nguy cơ cao mắc lao do hệ miễn dịch kém bao gồm: người suy dinh dưỡng, người hút thuốc nhiều, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em.... Nếu trong gia đình có nguồn lây lao phổi dương tính thì đây cũng là một trong những yếu tố chuyển hóa lao cho trẻ em.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.
Bệnh lao dễ lây lan trong khoảng thời gian chưa được chuẩn đoán, khi đã chuẩn đoán và điều trị thì động lực vi khuẩn giảm rất nhiều, sau khoảng 2-4 tuần khả năng lây đã giảm.
Tuy nhiên, khi chưa phát hiện bệnh, việc ở cùng nhau trong 1 môi trường sinh hoạt không gian khép kín, chỉ cần 1 người dương tính thì đây cũng là nguồn lây trực tiếp để những người xung quanh dễ nhiễm và dễ mắc.