Cần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương tại hệ thống cửa hàng, siêu thị
Mô hình kinh tế gia đình anh Ngô Văn Trường ở xóm Na Chanh, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ |
Xã Nam Hòa là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với gần 15ha. Trong đó có nhiều loại cây ăn quả như: ổi, bưởi, thanh long, cho giá trị kinh tế khá cao. Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Trường, xóm Na Chanh, xã Nam Hòa, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng từ 3ha cây ăn quả. Tuy nhiên, đến nay, chưa có loại cây ăn quả nào của gia đình anh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông sản an toàn hay VietGap. Anh Ngô Văn Trường cho biết: "Tôi mong muốn cùng với các gia đình khác tạo dựng nên một thương hiệu để có chỗ đứng bền vững và lâu dài trên thị trường. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền giúp đỡ để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm".
Cũng giống với anh Trường, gia đình anh Hoàng Đức Lâm, xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ là một trong những hộ có diện tích trồng nhãn khá lớn với trên 1ha. Năm nay, dự kiến, vườn nhãn sẽ cho anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng nhiều năm qua, nhãn của gia đình cũng chỉ tiêu thụ tại chợ truyền thống.
Tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hoa quả nhập khẩu từ nước ngoài và các địa phương khác chiếm trên 95% trong mặt hàng hoa quả |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hoa quả nhập khẩu từ nước ngoài và các địa phương khác chiếm trên 95% trong mặt hàng hoa quả. Việc đưa nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn, bởi chủ yếu người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Vì vậy, nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị. Chị Lê Thị Kim Dung, Trưởng Ngành hàng Thực phẩm, Siêu thị Lan Chi, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Siêu thị chúng tôi chưa nắm bắt được nhiều thông tin về những nhà sản xuất cung cấp các sản phẩm tại địa phương, nên siêu thị vẫn chưa quan tâm nhiều đến các sản phẩm này".
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Các sản phẩm để đưa được vào siêu thị phải sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải hình thành các hợp tác xã để sản xuất chuyên mốn hóa".
Thực tế cho thấy, hệ thống siêu thị, cửa hàng chính là kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định cho người sản xuất, nhất là đối với sản phẩm nông sản. Đặc biệt, tiêu thụ nông sản tại địa phương tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng chính là con đường ngắn nhất để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương tới người tiêu dùng. Để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thì các địa phương, đơn vị có liên quan cần hỗ trợ, giúp đỡ người dân xây dựng thương hiệu, tiếp cận với thủ tục mua bán hiện đại./.