Cam go cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Scotland
Hôm qua (16/3), Thủ tướng Anh Theresa May đã bác bỏ đề nghị trưng cầu dân ý độc lập lần 2 của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, đồng thời cho rằng "bây giờ không phải lúc làm việc đó".
Thủ hiến Sturgeon. Ảnh: IBTimes UK. |
Động thái này khiến ý muốn tách khỏi Vương quốc Anh của Scotland được cho là sẽ gặp nhiều chông gai trong bối cảnh Anh đang gấp rút làm thủ tục rời Liên minh châu Âu.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh rằng, bà không bác bỏ hoàn toàn việc tiến hành trưng cầu dân ý độc lập của Scotland trong tương lai song bà Mây lên tiếng chỉ trích việc lựa chọn thời điểm tiến hành trưng cầu ý dân của bà Sturgeon là "thời điểm tồi nhất có thể", bởi điều này sẽ làm suy yếu vị thế của Anh trong quá trình đàm phán với các nước Liên minh châu Âu khác.
Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Sturgeon cho rằng, việc Anh ngăn không cho Scotland tiến hành trưng cầu dân ý độc lập lần 2 là "không dân chủ". Trước đó vào ngày 13/3, Thủ hiến Sturgeon tuyên bố sẽ tìm cách kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý trước khi Anh rời khỏi EU, đồng thời tuyên bố cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ mùa Thu năm 2018 cho đến mùa Xuân năm 2019 trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Bà Sturgeon nói rằng, bà "không thể không làm gì" trong khi Brexit đang đe dọa đến kinh tế của Scotland. Scotland đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ việc ở lại Liên minh châu Âu là 62/38 vào năm ngoái và bà Sturgeon cho rằng, Brexit đã tạo ra những thay đổi to lớn, do vậy Scotland muốn tiến hành trưng cầu ý dân độc lập lần 2 cho dù chính phủ Anh phản đối.
“Tôi nghĩ rằng, hầu hết mọi người dân Scotland cho dù họ có thể bỏ phiếu “Có” hay “không” đối với trưng cầu ý dân về việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh đều cảm thấy kinh hoàng với ý tưởng của một chính phủ bảo thủ vốn không có sự ủy trị tại Scotland nhưng lại tìm cách can thiệp vào một chính phủ dân chủ được dân bầu”.
Trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 năm ngoái, 52% người dân trên khắp Vương quốc Anh ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại Liên minh châu Âu. Do đó, ngay sau cuộc trưng cầu ý dân với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Scotland Sturgeon nhiều lần khẳng định, Scotland không muốn rời khỏi Liên minh châu Âu và quyết tâm ở lại liên minh này.
Tuy nhiên, việc Scotland ở lại trong Liên minh châu Âu dường như là điều không thể trong một sớm một chiều vì Anh dự kiến rời EU vào năm 2019, còn EU sẽ không nhận thêm thành viên mới nào cho đến năm 2020. Ủy ban châu Âu cảnh báo Scotland sẽ phải nộp đơn xin gia nhập và phải được sự chấp thuận của các thành viên trong EU. Một trong những nước có thể sẽ không chấp thuận Scotland là Tây Ban Nha vì nước này lo ngại vùng Catalan của họ cũng sẽ xin tách khỏi Tây Ban Nha. Chính vì thế, theo các chuyên gia, việc Scotland tiến hành trưng cầu ý dân khỏi Anh sẽ còn gặp nhiều trở ngại và khó có thể được thực hiện trước năm 2019, thời điểm mà Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu./.