Các hãng xe Đức dính bê bối thông đồng gian lận khí thải
Các hãng xe sang của Đức đối mặt vụ bê bối mới sau khi các cơ quan chống độc quyền ở châu Âu cho biết đang xem xét những cáo buộc rằng Volkswagen, Daimler và BMW thông đồng để giữ giá các công nghệ quan trọng, bao gồm cả các thiết bị phát thải, NYtimes cho biết. Nếu được chứng minh, các cáo buộc này sẽ làm tổn hại danh tiếng của đất nước với nền công nghiệp kỹ thuật hàng đầu thế giới.
Volkswagen, Daimler và BMW bị cáo buộc thông đồng gian lận khí thải. |
Ủy ban châu Âu điều tra các hãng
Nhận thức về tác động xấu của nhiên liệu diesel đối với môi trường ngày càng rõ rệt khiến nhiều thành phố châu Âu cân nhắc cấm sử dụng xe diesel, kéo theo nhu cầu mua xe diesel cũng giảm, dù đây là dòng xe truyền thống tại Đức, chiếm tới nửa thị trường. Nếu phía sau tất cả là những thỏa thuận ngầm trái luật pháp giữa các hãng, ảnh hưởng sẽ càng tồi tệ. Cuộc điều tra có thể khiến các hãng xe chịu mức phạt hàng tỷ USD.
Trong một tuyên bố hôm 22/7, Ủy ban châu Âu xác nhận thông tin xuất hiện trên tạp chí Der Spiegel của Đức rằng cơ quan này đang điều tra việc đại diện các hãng xe thường xuyên gặp nhau để thỏa thuận về thông số kỹ thuật cho mọi chi tiết từ phanh, ly hợp, động cơ tới hệ thống phát thải. Tạp chí này cho rằng việc thỏa thuận ngầm đã diễn ra từ giữa những năm 1990 tới nay và khẳng định có các tài liệu liên quan tới vụ điều tra chống độc quyền.
Ủy ban châu Âu cho biết phối hợp cùng Văn phòng chống độc quyền Đức đã nhận được thông tin, nhưng cũng chưa kết luận gì vì "ở thời điểm này còn quá sớm để suy đoán thêm".
Người phát ngôn của Volkswagen, Daimler và BMW từ chối bình luận với NYTimes nhưng theo nguồn tin của tạp chí Der Spiegel, Volkswagen và Daimler đã thừa nhận một số cáo buộc với các cơ quan chức năng.
Nếu áp dụng các biện pháp giảm khí thải, lợi nhuận của hãng sẽ suy giảm. |
Cáo buộc mới nổi lên gần đây, nhưng thực tế những xe Đức bán ra ở châu Âu có mức ô nhiễm cao hơn trong các bài kiểm tra, cụ thể mức khí thải nitơ oxit (NOx) ở vùng đô thị cao hơn nhiều so với các chuẩn khí thải mà hãng xe áp dụng.
Những nghiên cứu năm 2016 bởi chính phủ Anh, Pháp và Đức cho thấy hãng xe khai thác lỗ hổng trong các quy định của EU để tránh các tiêu chuẩn khí thải. Ví dụ, nhiều biện pháp kiểm soát ô nhiễm không hoạt động tốt ở nhiệt độ dưới 20 độ C, được cho là để bảo vệ động cơ khỏi hư hỏng, trong khi các nhà quản lý thì chỉ thử nghiệm ở trên 20 độ C.
Ngoài ra, một số cáo buộc đăng tải trên Spiegel phù hợp với những gian lận của Volkswagen đã bị phanh phui trước đó.
Những gian lận từ nhiều năm trước
Năm 2015, Volkswagen từng bị phanh phui vì sử dụng phần mềm để gian lận mức khí thải thực tế so với các bài kiểm tra của cơ quan chức năng. Số tiền nộp phạt riêng ở thị trường Mỹ cho sự vụ này lên tới 18 tỷ USD, chưa kể chi phí triệu hồi xe khoảng 8 tỷ USD. Hậu quả nặng nề kéo theo là CEO hãng mất chức, bị điều tra và doanh số Volkswagen sụt giảm, nhường lại vị trí cao nhất thế giới cho Toyota chỉ sau 3 tháng nắm giữ.
Trước đó, hồi 2006, các hãng xe Đức đồng ý giới hạn kích thước bình nhiên liệu, nhường chỗ chứa thêm hợp chất hóa học gọi là AdBlue để trung hòa lượng khí thải diesel. Volkswagen và hãng con Audi từng thừa nhận không có AdBlue như đã tuyên bố vì hãng không muốn bình nhiên liệu chiếm không gian của hệ thống âm thanh, theo đơn tố cáo của một kỹ sư Audi nộp hồi đầu tháng 7 tại Mỹ.
Phần mềm trên xe sẽ cho mức khí thải hợp lý nếu phát hiện đang trong một bài kiểm tra. |
Thay vì lắp bình nhiên liệu lớn hơn, Volkswagen và Audi lập trình xe để phân giải các chất hóa học và tạo ra lượng khí thải dư thừa. Lượng khí thải này chỉ giảm khi phần mềm động cơ phát hiện xe đang tiến hành một thử nghiệm chính thức.
Chỉ Volkswagen và Audi thừa nhận việc làm sai trái. Tất cả các hãng Đức khác cho biết xe của họ có thể tạo ra lượng khí thải NOx cao khi sử dụng hàng ngày, nhưng không nhận đã gian dối.
Mới đây nhất hôm 21/7, Audi thông báo kế hoạch nâng cấp phần mềm trên xe động cơ diesel để giảm lượng khí thải khắp châu Âu, điều mà Daimler và BMW đã làm trước đó.
Khí thải hiện là tiêu chí quan trọng hàng đầu mà các hãng phải đáp ứng khi sản xuất và bán xe tại châu Âu. Lục địa già có chuẩn môi trường hàng đầu thế giới, khiến các hãng phải hướng tới động cơ cỡ nhỏ, tăng áp hoặc động cơ điện, hybrid (xăng lai điện) để giảm khí thải. Nhưng để đạt mục đích lợi nhuận, các ông lớn nghĩ tới việc can thiệp công nghệ để tạo kết quả thử nghiệm khác thực tế mà không tốn chi phí khi sản xuất mỗi xe.
BMW, Mercedes của Daimler, Audi và Porsche của Volkswagen thống trị thị trường xe sang toàn cầu, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Đức. Khách hàng khắp thế giới sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu xe Đức vì danh tiếng trong chuẩn hóa công nghệ, độ chính xác và khéo léo.
Sức mạnh thương hiệu cả trăm năm rất dễ bị bào mòn nếu những scandal về gian lận khí thải dần bị lộ. "Nếu khách hàng quay lưng, để thuyết phục họ trở lại không phải điều đơn giản", Ferdinand Dudenhöffer, giáo sư tại đại học Duisburg-Essen (Đức) nhận định.
"Từ bê bối khí thải hai năm trước, mức độ tin tưởng vào xe Đức đã không còn nguyên vẹn".