Các địa phương cơ bản hoàn tất công tác khai giảng năm học mới
Năm học mới 2017-2018, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 220.000 học sinh các cấp học. Để chuẩn bị chu đáo cho năm học này, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập, hệ thống bán trú tại các vùng kinh tế khó khăn. Đối với các huyện vùng sâu, vùng xa, học sinh hoàn cảnh khó khăn, để duy trì sĩ số, UBND tỉnh Hòa Bình hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, tiền nhà, gạo cho học sinh bán trú và tiếp tục thực hiện Đề án di chuyển học sinh từ các điểm trường ra trường chính...
(Ảnh minh họa) |
Bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 12 công trình trường học các cấp, đưa vào sử dụng mới trên 70 phòng học và phòng bộ môn. Toàn tỉnh đã cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung 6.637 bộ bàn ghế, trang thiết bị dạy học, với kinh phí ước tính 91 tỷ đồng. Chúng tôi cũng tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nhà bếp, nhà ăn, nhà bán trú cho trường Phổ thông bán trú. Công ty Sách thiết bị trường học cũng phát hành gần 3 triệu bảng, sách giáo khoa, tài liệu chuẩn bị cho năm học mới, với kinh phí khoảng 28 tỷ. Ngành giáo dục đào tạo Hòa Bình đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bước vào năm học mới 2017-2018”.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã rà soát số lượng học sinh các cấp học và tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ, giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ. Chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới, các trường học chỉnh trang khuôn viên, vệ sinh trong và ngoài nhà trường, trang trí phòng học sạch sẽ.
Ông Phan Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện nay, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng tổ chức khai giảng. Nhiệm vụ trọng tâm việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng theo kế hoạch, chương trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Vừa rồi, Sở cũng đã tổ chức bồi dưỡng nhiệm vụ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Trong năm học này, sẽ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch, hướng dẫn của Bộ. Hiện nay, tất cả các trường đã đi vào ổn định. Vừa rồi vùng Bảo Lạc, Bảo Lâm có mưa to, gây thiệt hại, Sở cử người đến các địa bàn này kiểm tra cơ sở vật chất vào năm học mới”.
Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà nhiều địa phương đặt ra. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng được chương trình mới, ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ tổ chức lớp tập huấn với sự tham gia của các cán bộ giảng viên trường đại học sư phạm, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông. Các lớp bồi dưỡng giáo viên đi sâu vào những nội dung cụ thể, thiết thực gắn với hoạt động đào tạo giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Năm học mới này, toàn tỉnh có 919 trường, với tổng số trên 356.000 học sinh và trên 25.500 cán bộ, giáo viên.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi bồi dưỡng vào tháng 8, tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở cấp học phổ thông còn đối với mầm non tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn về các địa phương để kiểm tra thực tế, nhất là những nơi khó khăn. Đến nay, tất cả các trường các cấp học của tỉnh Phú Thọ đã đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất về đội ngũ và các điều kiện để tổ chức dạy và học tốt nhất. Đối với Phú Thọ số giáo viên thiếu chủ yếu ở cấp học mầm non từ năm 2016-2017 tỉnh đã bố trí cho hơn 1.800 giáo viên được hợp đồng cho các huyện đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/nhóm trẻ/lớp những cấp học”./.