Cấm xe động cơ diesel - Cần thêm thời gian
Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều thành phố ở châu Âu như Paris (Pháp), Mexico City (Mexico), Madrid (Tây Ban Nha), Athens (Hy Lạp), Stuttgart (Đức) đã nhất trí sẽ cấm ô tô động cơ diesel vào năm 2025. Mới đây, chính quyền thành phố Munich (Đức) cũng có kế hoạch cấm một số loại xe chạy bằng diesel, nhằm cắt giảm lượng khí thải, đặc biệt là NO2, vốn được coi là tác nhân gây các bệnh hô hấp. Ngoài ra, lệnh cấm này cũng buộc các nhà sản xuất phải phát triển các loại xe xanh, sạch hơn.
Vấn đề khí thải từ động cơ diesel càng được chú ý hơn sau vụ bê bối gian lận của Tập đoàn Volkswagen. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là không chỉ các nhà sản xuất ô tô của Đức, mà trên toàn thế giới, đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ diesel.
Vì thế, các chuyên gia phân tích cho rằng, lệnh cấm sử dụng xe động cơ diesel sẽ gây tổn hại tới doanh thu của các hãng xe và nhân công; từ đó trực tiếp gây ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm khí thải, vì các hãng xe sẽ không có nhiều tiền để đầu tư nghiên cứu và phát triển loại công nghệ này.
Hãng thông tấn Reuters trích lời của Ủy viên EU Elzbieta Bienkowska nhận định rằng sự sụp đổ của thị trường xe ô tô chạy bằng dầu diesel sẽ gây ra nhiều hậu quả. Chính sách này sẽ khiến các hãng sản xuất lao đao và không có vốn để dồn vào việc nghiên cứu phát triển xe không phát thải.
Vì vậy, thay vì cấm xe diesel, trong ngắn hạn, trọng tâm mà các nhà chức trách nên hướng đến việc yêu cầu những nhà sản xuất ô tô tuân thủ các quy định về phát thải khí NO2 độc hại. Ngoài ra, bà Bienkowska cũng kêu gọi các chủ xe tự nguyện ngừng sử dụng các xe phát thải khí NO2 quá mức trên đường phố.
Về dài hạn, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đều hướng đến việc sử dụng động cơ không khí thải, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể phớt lờ sự sụp đổ của ngành công nghiệp xe chạy dầu diesel bởi những hệ lụy của lệnh cấm này không hề nhỏ.