Bộ Y tế yêu cầu tập trung kiểm nghiệm vắc xin thay thế Quinvaxem
Công văn khẩn do ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược kí gửi đến Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dự án tiêm chủng mở rộng đề nghị chuẩn bị sẵn sàng, chủ động để sử dụng vắc xin ComBE Five thay thế Quinvaxem theo đúng lộ trình.
Theo kế hoạch cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 của Bộ Y tế, loại vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin “5 trong 1”) được lựa chọn sử dụng là vắc xin ComBE Five(số Giấy đăng ký lưu hành: QLVX-1040-17; do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất). Vắc xin này sẽ được sử dụng thay thế cho vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng trước đây do hiện nay nhà sản xuất (tập đoàn Jassen tại Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất loại vắc xin này trên toàn thế giới.
Dự kiến giữa tháng 6/2018 sẽ có 833.200 liều ComBE Five (do GAVI viện trợ) được nhập khẩu về đến Việt Nam. |
Để đảm bảo cung ứng kịp thời vắc xin “5 trong 1” cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và đảm bảo hiệu quả của công tác tiêm chủng, Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời kiểm định ngay sau khi nhận được mẫu vắc xin ComBE Five từ cơ sở nhập khẩu, đảm bảo đúng tiến độ kiểm định vắc xin theo quy định và đáp ứng đúng kế hoạch triển khai sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tăng cường giám sát chất lượng vắc xin ComBE Five trong quá trình vắc xin được đưa ra lưu hành, sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn triển khai tiêm chủng trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh/thành phố trong tháng 6-7/2018 trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn quốc.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, phân phối và các đơn vị tiêm chủng có bảo quản, sử dụng vắc xin ComBE Five.
Tăng cường kiểm tra chất lượng (kiểm tra tính hiệu quả và an toàn) của vắc xin ComBE Five tại các cơ sở có bảo quản, sử dụng vắc xin ComBE Five.
Tcường theo dõi, tổng hợp, phân tích và đánh giá xu hướng về tính ổn định của vắc xin ComBE Five sau khi đã được kiểm định và lưu hành trên thị trường.
Báo cáo về Cục Quản lý Dược ngay sau khi có kết quả kiểm định các lô vắc xin ComBE Five trước khi đưa ra lưu hành cũng như trong quá trình vắc xin lưu hành trên thị trường, trong đó cần ghi rõ các thông tin như ngày nhận mẫu, số lượng mẫu, kết quả kiểm định, ngày có kết quả kiểm định đối với từng lô vắc xin ComBE Five được lấy mẫu.
Đơn vị này cũng cần đưa ra các khuyến cáo, kiến nghị đối với Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan trong trường hợp vắc xin ComBE Five có vấn đề hoặc nghi ngờ có vấn đề về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị thông báo về Cục Quản lý Dược để được giải quyết theo quy định.
Để đảm bảo cung ứng kịp thời vắc xin “5 trong 1” cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và đảm bảo hiệu quản của công tác tiêm chủng, Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cần chủ động liên hệ và tiến hành các thủ tục có liên quan để kịp thời nhận viện trợ hoặc mua sắm vắc xin ComBE Five theo đúng cơ chế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Khẩn trương báo cáo tên và địa chỉ cơ sở được ủy quyền nhập khẩu vắc xin ComBE Five theo đúng yêu cầu của Cục Quản lý Dược tại Công văn số 7740/QLD-KD ngày 04/5/2018.
Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc triển khai sử dụng vắc xin ComBE Five (bao gồm cả công tác an toàn tiêm chủng) và kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề mới phát sinh (nếu có),đặc biệt trong giai đoạn triển khai tiêm chủng trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh/thành phố trong tháng 6-7/2018 trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn quốc (căn cứ Quyết định số 2912/QĐ-BYT ngày 14/5/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu).
Kịp thời báo cáo kết quả triển khai tiêm chủng trên quy mô 7 tỉnh/thành phố nói trên và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (kèm theo đề xuất hướng xử lý) về Cục Quản lý Dược (138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và Cục Y tế Dự phòng (135 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) để được giải quyết theo quy định.